Buổi hội thảo trực tiếp về SGK Cánh Diều là cơ hội để giáo viên được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình giảng dạy. |
Các môn trong bộ Cánh Diều có tính “mở”, phát huy được tính sáng tạo của thầy và trò, giúp bài học sinh động, hấp dẫn .
Nhiều trường Tiểu học Hải Dương đang học bộ SGK Cánh Diều. Cũng như cảm nhận và đánh giá chung của các giáo viên trên toàn quốc sau ba năm giảng dạy, các thầy cô Hải Dương cho rằng đây là bộ sách đảm bảo tính chính xác, khoa học, thực tiễn. Cùng với đó, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đã tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng tính linh hoạt, sáng tạo. Các chủ đề bài học thiết kế theo hướng tăng cường và đa dạng dạng các hoạt động.
Theo các thầy cô dạy Tiểu học ở Cầm Giàng, bộ SGK Cánh Diều được nhiều giáo viên đánh giá là có chất lượng tốt và là sự lựa chọn để giảng dạy trong các trường học.
Cô Hoàng Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Vũ cho biết, năm học 2022-2023, hầu hết các môn của khối 3 nhà trường đều chọn trong bộ SGK Cánh Diều (trừ môn Mỹ Thuật) để giảng dạy. Đặc biệt, tất cả các môn trong bộ Cánh Diều có tính “mở”. Điều này phát huy được tính sáng tạo cho thầy và trò, khiến bài học sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
Cô Phạm Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Liên, nhận xét: Bộ sách Cánh Diều có hình ảnh rất đẹp, hấp dẫn đối với học sinh; nội dung các bài học được thiết kế tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều cơ hội để dạy theo các đối tượng học sinh; các dữ liệu trong sách gần gũi, phù hợp tình hình địa phương. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Liên cho rằng lượng kiến thức trong bộ sách Cánh Diều phù hợp nhất với học sinh của nhà trường.
Là giáo viên đang phụ trách lớp 3, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên tiểu học Trường Ngọc Liên) chia sẻ: Bộ môn Tiếng Việt trong bộ sách Cánh Diều có phần hình, chữ viết được in to rõ ràng, tranh ảnh có màu sắc đẹp. Nội dung các bài đọc gần gũi, kiến thức đưa ra phù hợp với học sinh, các hoạt động trong các tiết học được thiết kế theo hướng phát triển năng lực phẩm chất các em.
Cô giáo Hà dẫn chứng: Ví dụ hoạt động góc sáng tạo ở trang 43 môn Tiếng Việt lớp 3 “yêu cầu kể về những việc mà em đã làm để chăm sóc và bảo vệ đôi tay, đôi chân, đôi mắt, chiếc răng, mái tóc gắn kèm vào những bài viết là ảnh hoặc tranh em vẽ” đây là yêu cầu mở. Từ đó học sinh có thể tự mình kể rất nhiều việc đã làm để bảo vệ đôi mắt, đôi tay, tùy theo năng lực của mỗi em. Yêu cầu gắn kèm vào bài viết ảnh hoặc tranh vẽ sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, ngoài phát triển ngôn ngữ còn tăng cường kỹ năng vẽ, phát triển năng lực thẩm mỹ.
Có thể nói, cho tới ngày hôm nay, những hiệu ứng tích cực từ các cơ sở GD trên cả nước, bộ SGK Cánh Diều đã và đang chiếm được sự đồng tình, ủng hộ bởi nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất : Bộ sách giáo khoa Cánh Diều với triết lí xuyên suốt là “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống” thể hiện rõ tinh thần dạy học hướng đến phát triển năng lực cho người học, “học” gắn liền với “hành”.
Tác giả bộ SGK “Cánh Diều” là những nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục uy tín của các trường đại học sư phạm, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác. Đó là những người am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông, giàu kinh nghiệm chuyên môn và thực tiễn trong việc biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông và SGK, trong đó có Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hầu hết thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là Chủ biên, tác giả Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục (theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo): Tiếng Việt - Ngữ văn, Toán, Tự nhiên và Xã hội Khoa học, Khoa học tự nhiên, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất...