Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, những tác phẩm văn học như được khoác tấm áo mới, hiện đại hơn nhờ những bức tranh của các họa sĩ.
Theo Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh: “Khi kết hợp tác phẩm văn học với tranh, cảm hứng đọc của chúng ta rất khác. Phản ứng thông thường của người đọc là vừa đọc, vừa tưởng tượng và xem những bức tranh. Cùng lúc 3 tác phẩm nghệ thuật được đặt cạnh nhau trong quan hệ đối sánh. Giác quan thẩm mỹ xuất hiện, chúng ta có cách đọc rất khác.
Những trích đoạn ngắn, những bức tranh thiên nhiên cạnh nhau khiến chúng ta có cảm giác mát mẻ, trong lành, tinh tế. Những bức tranh đó tạo thành chỉnh thể nghệ thuật, vẽ nên bức tranh thiên nhiên đất nước phong phú”.
“Mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau về vùng đất mình đã đến. Tôi đã có sự trải nghiệm riêng nhưng cũng tìm hiểu về tâm lý của đối tượng đọc để vẽ hài hòa, không phức tạp quá, không bám quá vào nội dung… Đặc biệt, với đối tượng độc giả trẻ, tôi gửi gắm những màu sắc, năng lượng tích cực trong mỗi tác phẩm” - họa sĩ Trương Văn Ngọc, cho biết.
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương trải rộng tấm bản đồ cảnh sắc quê hương phong phú và rực rỡ, cho mỗi chúng ta thêm yêu, thêm tự hào.
NXB Kim Đồng hy vọng, cuốn sách đáp ứng nhu cầu dạy và học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.