Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên diện rộng, số lượng người tham dự lớn, trong cùng thời điểm.
Điều này đòi hỏi các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, luôn có phương án 2 để chủ động trong các tình huống phát sinh.
Từ trước đến nay, Quảng Ngãi có phương án vận chuyển đề thi ra Lý Sơn bằng tàu siêu tốc cỡ lớn, nếu xảy ra biển động, mưa to, gió lớn cấp 7 - 8 thì tàu vẫn có thể đảm bảo việc đưa đề ra đảo. Lực lượng công an sẽ áp tải, bảo vệ đề thi trong suốt thời gian vận chuyển ra đảo.
Năm nay, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi và lực lượng an ninh đưa đề thi đến cảng Sa Kỳ để bàn giao cho Hội đồng thi THPT ở Lý Sơn trước ngày diễn ra kỳ thi. Tuy nhiên, để chủ động trước mọi diễn biến thời tiết, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi kiến nghị với Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần xây dựng phương án sử dụng máy bay trực thăng đưa đề ra đảo Lý Sơn nếu diễn biến thời tiết xấu, biển động mạnh.
Thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: “Với giáo viên được triệu tập làm công tác coi thi, nhà trường lưu ý phải theo dõi tình hình thời tiết để chủ động trong di chuyển, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, vì thời điểm này hay xảy ra biển động”.
Đối với các huyện miền núi, ngoài tăng cường lực lượng an ninh, Quảng Ngãi cũng chủ động triển khai phương án dự phòng cho tình huống thiên tai. Những thí sinh cư trú ở vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng sâu, xa... được hỗ trợ di chuyển về ở trọ gần điểm thi vào trước ngày thi.
Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Các hội đồng thi luôn phải tính đến mọi tình huống bất thường có thể xảy ra để xây dựng phương án xử lý kịp thời trong kế hoạch tổ chức kỳ thi. Đó có thể là sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an ninh trật tự, thông tin liên lạc, tình huống bất thường do thiên tai xảy ra trong thời gian trước và trong kỳ thi…”. Vì vậy, cần soát xét tất cả công việc, đối chiếu với quy định, tuyệt đối không để thiếu hoặc chưa chuẩn bị chu đáo, có phương án 2 để chủ động trong các tình huống phát sinh.
Như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, sau buổi thi thứ 3, có 3 thí sinh của điểm thi Trường THPT Cẩm Lệ bị tai nạn phải đưa đi cấp cứu. Sau khi điều trị, các em được hỗ trợ đưa đến điểm thi và tiếp tục dự thi môn cuối – môn Ngoại ngữ. 3 thí sinh này được bố trí dự thi tại phòng dự phòng. Trong số này, có một em được cán bộ coi thi hỗ trợ ghi bài do bị gãy tay. Hội đồng thi đã cung cấp máy quay phim để ghi hình, ghi âm quá trình thí sinh làm bài thi. Do chuẩn bị trước nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, máy quay phim được Hội đồng thi Đà Nẵng chuyển đến điểm thi kịp thời trước thời gian thí sinh vào phòng thi.
Các điểm thi tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng, phòng gửi đồ được bố trí tại phòng học hoặc hội trường để thí sinh yên tâm với tư trang của mình. Chỉ có điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải mượn một phòng của Trường Mầm non 19/5 phía đối diện làm phòng gửi đồ chứ không sử dụng phòng bảo vệ.
Theo lý giải của đại diện Hội đồng thi Đà Nẵng, phòng bảo vệ có diện tích nhỏ, không thể để hết đồ đạc của học sinh. Chẳng hạn trong tình huống thí sinh đến điểm thi mà trời mưa, phải gửi lại áo mưa, điện thoại, túi xách… thì không thể tận dụng phòng bảo vệ để làm phòng gửi đồ. Hơn nữa, khoảng cách giữa phòng bảo vệ và các phòng thi không đảm bảo theo yêu cầu trong quy chế thi.
Ảnh minh họa ITN. |
Gần sát ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) in khoảng 5 bản danh sách thí sinh dự thi, kèm theo số điện thoại, thông tin của phụ huynh như địa chỉ cư trú, họ tên… để chuyển cho Đoàn thanh niên của xã. Theo thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường, dù đã nhắc nhở nhiều nhưng gần như năm nào cũng có trường hợp thí sinh đến muộn.
“Tuy chưa xảy ra trường hợp thí sinh muộn đến mức không được làm bài thi nhưng chúng tôi phải tính đến phương án đảm bảo quyền lợi cho các em. Vì vậy, khoảng 10 - 15 phút trước khi thí sinh được gọi vào phòng thi, sẽ có sự rà soát lại xem em nào chưa có mặt để nhờ lực lượng thanh niên tình nguyện trước cổng trường thi tìm cách liên hệ. Lực lượng tình nguyện viên, ngoài đoàn thanh niên của xã đoàn, còn có học sinh của trường, công an xã… hỗ trợ”, thầy Thịnh thông tin.
Theo ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần lưu ý một số quy tắc như: Bình tĩnh nắm rõ vấn đề; lấy quyền lợi của thí sinh là trên hết và phải phù hợp với quy chế thi; phối hợp các lực lượng chức năng, không đơn phương xử lý vấn đề…
Trong tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi cho cán bộ, giáo viên dự kiến làm công tác thi, Sở GD&ĐT Đà Nẵng thường đưa ra những tình huống giả định để xử lý. Chẳng hạn, nếu có thí sinh vì lý do nào đó mà đến điểm thi chậm so với thời gian quy định, cán bộ làm công tác thi, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ở vòng ngoài mở cổng cho thí sinh vào bên trong cổng trường.
Sau đó báo điểm trưởng biết để có hướng xử lý tùy thuộc vào từng trường hợp. Nếu không thể giải quyết cho thí sinh vào phòng thi, điểm trưởng sẽ liên hệ với phụ huynh đến đón, tránh tình trạng để thí sinh tự ra về trong lúc buồn chán sẽ có hành động tiêu cực bộc phát, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng.
Các kinh nghiệm phối hợp bảo vệ kỳ thi đều được đại diện các phòng, ban nghiệp vụ sở GD&ĐT, Công an thành phố Đà Nẵng, công an các quận, huyện hết sức lưu ý và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi kỳ thi dù có thể đó là quy định không mới.
Gần như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có tình huống thí sinh quên thẻ dự thi rồi quay về nhà lấy. Tuy nhiên, trong buổi phổ biến quy chế thi, cán bộ làm công tác ở bất cứ phòng thi nào cũng đều nhắc nhở thí sinh, tình huống quên thẻ dự thi, căn cước công dân… vẫn cứ đến điểm thi bình thường; không nên quay về lấy giấy tờ.
Nếu quên thẻ dự thi thì có giấy tờ tuỳ thân khác như căn cước công dân, nếu không có nữa thì thí sinh viết giấy cam kết, sau đó dự thi bình thường. Ngoài ra, trong hồ sơ dự thi đã có ảnh của thí sinh, cán bộ coi thi có thể đối chiếu gương mặt. - Ông Mai Tấn Linh (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng)