Sáng tạo nhưng không gây sốc với đề kiểm tra cuối học kỳ I

23/12/2023, 16:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường học đã thiết kế câu hỏi kiểm tra học kỳ I theo hướng phát triển năng lực học sinh như tinh thần của Chương trình GDPT 2018.

Khớp nối giữa 2 chương trình GDPT

Thời điểm này, học sinh lớp 9 và lớp 12 của TP Đà Nẵng đang kiểm tra các môn cuối học kỳ I theo đề chung của Sở GD&ĐT. Có 8 môn ở 2 khối lớp này do Sở GD&ĐT Đà Nẵng ra đề, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Vật lý và Hóa học. Đây cũng là lứa học sinh cuối cùng đang theo học Chương trình GDPT 2006.

Nhận xét về đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9, cô giáo Hoàng Yến Phi, giáo viên Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết: “Đề năm nay tương đối dễ, sát với kiến thức trong học kỳ I. Phản hồi của học sinh tương đối tốt. Câu cảm nhận văn học nhẹ nhàng. Khổ thơ trích trong bài Bếp lửa để làm ngữ liệu yêu cầu học sinh cảm nhận có nghệ thuật phong phú và nội dung sâu sắc. Câu Làm văn vừa sức, tính giáo dục cao. Tuy nhiên, do đề khá ngắn gọn nên với yêu cầu của câu làm văn, học sinh sẽ hơi lúng túng chỗ kể sự việc dẫn đến được khen hay là kể lúc được khen”.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm bài kiểm tra. (Ảnh: NTCC)
Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm bài kiểm tra. (Ảnh: NTCC)

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ Sử - Địa, Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) nhận xét: “Đề kiểm tra học kỳ môn Địa lý của khối lớp 9 về cơ bản đã có nhiều câu hỏi thiên về đánh giá kỹ năng, năng lực của học sinh chứ không chỉ nặng về kiểm tra kiến thức như dạng đề trước đây.

Đề đã có xu hướng đổi mới nhiều hơn so với trước đây khi có những câu hỏi nhằm rèn kiểm tra kỹ năng sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ, phân tích số liệu… của học sinh”. Đề vẫn có những câu hỏi nhằm đánh giá kiến thức để học sinh vẫn có thể lấy điểm nếu phần kỹ năng vận dụng của các em có hạn chế.

Đây cũng là những thay đổi trong hướng ra đề ở các môn thực hiện kiểm tra chung của Sở GD&ĐT Đà Nẵng ở 2 khối lớp 9 và 12. Điều này sẽ giúp học sinh lớp cuối bậc THCS tiếp cận nhanh hơn với Chương trình GDPT 2018 khi vào lớp 10. Ngoài ra, đây cũng là một trong những căn cứ để học sinh, phụ huynh cân nhắc thêm trong việc chọn nhóm môn lựa chọn ở bậc THPT.

Cô Hồ Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết: “Nhiều học sinh có kết quả học tập tốt các môn tự nhiên ở bậc THCS nhưng cảm thấy rất áp lực khi đăng ký theo học cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh của chương trình lớp 10 vì lượng kiến thức nhiều và chuyên sâu. Trong khi đó, việc thay đổi môn học sau khi học xong lớp 10 không phải là điều dễ dàng vì học sinh phải tự bổ sung kiến thức để làm bài khảo sát trước khi vào lớp 11”.

Không gây áp lực cho học sinh

Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã có hướng dẫn các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, các trường phổ thông có cấp tiểu học thực hiện đánh giá định kỳ cuối học kỳ I, năm học 2023-2024.

Theo đó, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định; duyệt đề trước khi tiến hành kiểm tra. Tùy theo khối lớp, đề bài kiểm tra phải đáp ứng yêu cầu được Bộ GD&ĐT quy định. Việc kiểm tra được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Hoc sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt CLB Toán học.
Hoc sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt CLB Toán học.

Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết trong xây dựng đề kiểm tra học kỳ I ở tất cả các khối lớp, quan điểm của phòng GĐ&ĐT là câu hỏi sẽ bám sát sách giáo khoa. Chỉ có những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao có thể sẽ lấy ở ngoài và chỉ chiếm 1 điểm”.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với đề kiểm tra ở các khối lớp 6 – 7 – 8, trong sinh hoạt tổ chuyên môn theo cụm trường của quận Hải Châu (Đà Nẵng) đều lưu ý các đề kiểm tra định kỳ, các câu hỏi phải bám sát chuẩn yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Về cơ bản, các trường đã thực hiện được ở một mức độ nhất định theo hướng đánh giá, kiểm tra năng lực của học sinh như tinh thần của Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, theo nhận xét của thầy Nguyễn Văn Tuấn, giữa đề kiểm tra của các trường vẫn chưa có sự “đều tay” trong cách xây dựng đề theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Điều này, một phần là do giáo viên bị giới hạn sự sáng tạo khi buộc phải bám sát vào bảng đặc tả các yêu cầu cần đạt theo các mức độ khác nhau.

Thầy Tuấn phân tích: "Ví dụ như một số giáo viên muốn có một vài câu hỏi theo đưa những tình huống thực tế vào để học sinh giải quyết thì lại không có trong bảng mô tả. Sự sáng tạo của giáo viên bị gò bó theo bảng chuẩn". Vì vậy, với những câu hỏi ở mức vận dụng cao, có thể để giáo viên “sáng tạo” đưa vào những câu hỏi có tính mở để phù hợp với thực tế dạy học.

Nhiều ý kiến nhận xét cho rằng, đề Ngữ Văn kiểm tra cuối học kỳ I của khối lớp 9 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã theo hướng đổi mới, chống được bệnh học tủ, học vẹt và văn mẫu. Học sinh trung bình nếu không học bài vẫn có thể làm bài kiếm điểm bởi đề không đòi hỏi phải sáng tạo nhiều, miễn là có kỹ năng diễn đạt.

Bài liên quan
Viết văn theo Chương trình GDPT 2018: Những thay đổi không thể bỏ qua
Đối với chương trình Ngữ văn 2018, việc dạy viết không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt cho từng kiểu bài cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng tạo nhưng không gây sốc với đề kiểm tra cuối học kỳ I