Sáng tạo từ thực tiễn hạy học môn Công nghệ lớp 3

Nguyễn Dịu | 22/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công nghệ lớp 3 là môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. 

Với mục đích thúc đẩy giáo dục STEM, phát triển năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo… giáo viên tiểu học trên địa bàn Hải Phòng đã sử dụng đa dạng các phương pháp, kĩ thuật khác nhau để mang lại hiệu quả trong từng giờ dạy.

Giúp trò phát triển năng lực, phẩm chất

Cô Nguyễn Thị Sâm, Khối trưởng khối 3, Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An, cho hay: Nhà trường chọn dạy SGK Công nghệ của bộ sách Cánh diều. Trước khi bước vào giảng dạy, giáo viên bộ môn đã được tập huấn rõ ràng, nắm được quan điểm biên soạn, cấu trúc của SGK và cấu trúc một bài học.

Tuy nhiên, việc chưa có sách giáo viên cho môn học này là một khó khăn lớn với thầy cô các nhà trường. Nhưng trên tinh thần chủ động, linh hoạt, giáo viên tìm tòi, học hỏi ở các tài liệu khác phục vụ cho giảng dạy. Hơn nữa, đồ dùng dạy học chưa đầy đủ, giáo viên mất nhiều thời gian tự làm hoặc sưu tầm đồ dùng. Cách tổ chức các hoạt động học tập giúp học sinh phát triển năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của môn học cũng là cản trở với giáo viên.

Tháng 9 vừa qua, Trường Tiểu học Cát Bi có tham gia 1 tiết dạy minh họa nghiệm thu thay SGK lớp 3 bài Sử dụng đèn học (tiết 1). Trong tiết học với yêu cầu học sinh nắm được tác dụng và một số loại đèn học. Giáo viên đã tổ chức nhiều hoạt động bằng các phương pháp và kĩ thuật dạy học khác nhau giúp trò khám phá, luyện tập và ghi nhớ kiến thức một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Cô Lưu Thị Ngọc Diệp với học sinh lớp 3A1 đã có một giờ học và trải nghiệm thú vị. Để bài học hiệu quả, cô đã tổ chức cho trò hoạt động nhóm tìm hiểu về tác dụng của đèn học. Học sinh trình bày sản phẩm vào giấy A3 bằng nhiều hình thức khác nhau. Viết, vẽ, sơ đồ tư duy, hình ảnh... Các em được tham gia trò chơi “Giải mật thư” để tìm hiểu về tác dụng của đèn học.

Để cung cấp thêm cho học sinh về các loại sản phẩm trên thị trường hiện nay, cô Diệp đã làm một clip ngắn giới thiệu một số nét độc đáo của đèn học để tạo sự tò mò, gây hứng thú tìm tòi cho trò. Qua đó học sinh hiểu về các loại đèn học trên thực tế.

Học sinh được đóng vai thể hiện tình huống để khắc sâu tác dụng của đèn học. Sau đó, các em trao đổi về công dụng qua hình ảnh minh họa của đại diện nhóm. Cuối cùng cô giúp trò hiểu được tác dụng của đèn học qua sơ đồ tư duy. Khi tìm hiểu về các loại đèn học, trò được giới thiệu cùng các bạn về đèn học của mình.

Tiết học nhẹ nhàng, hiệu quả khi các em được thay đổi các hoạt động ở mỗi nội dung. Giáo viên là người tổ chức các hoạt động linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh, không gian lớp học. Các em được tham gia các hoạt động qua đó phát triển được năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác với các bạn để tìm hiểu nội dung học tập, phát triển năng lực đặc thù của môn học. Từ đó, học trò biết khi học bài cần thiết phải sử dụng đèn học để bảo vệ đôi mắt của mình, biết dùng đèn học đúng cách, tiết kiệm điện khi không sử dụng.

Sáng tạo từ thực tiễn hạy học môn Công nghệ lớp 3 ảnh 1

Giờ dạy của cô giáo Lưu Thị Ngọc Diệp, giáo viên Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An.

Nhẹ nhàng, thiết thực, hấp dẫn

Bài dạy Sử dụng quạt điện (tiết 2), môn Công nghệ lớp 3 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) do cô giáo Lê Thị Thanh Mai, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) giảng dạy học sinh lớp 3A5 rất nhẹ nhàng, gần gũi thực tiễn. Bài học này yêu cầu học sinh cần nắm được kiến thức về sử dụng quạt điện, nhận biết và phòng tránh được những tình huống mất an toàn khi sử dụng quạt điện.

Các em sẽ được phát triển năng lực tự chủ, tự học, sử dụng quạt phù hợp với điều kiện thời tiết để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ việc học tập. Bên cạnh đó, các em được phát triển năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, giao tiếp, hợp tác. Để lên lớp bài dạy, cô Mai đã chuẩn bị sẵn giáo án PowerPoint; dùng đồ dạy học thiết bị số và một số quạt điện.

Cô giáo tạo không khí vui vẻ trước khi bước vào bài học với trò chơi “Vệ sinh lớp học” để học sinh ôn lại kiến thức từ tiết học trước. Học sinh hào hứng cùng nhau dọn rác trong lớp qua việc trả lời các câu hỏi.

Ở hoạt động khám phá, trò đã biết cách sử dụng quạt điện đúng cách, nhận biết và phòng tránh được những tình huống mất an toàn. Qua các bức tranh về hình ảnh quạt điện, học sinh được hoạt động nhóm để cùng phân tích, thảo luận về các bước sử dụng. Học sinh được thực hành sử dụng quạt an toàn và nắm được các kĩ năng tiết kiệm điện khi không cần thiết.

Tiết học sôi nổi khi học sinh được chơi trò “Bé làm phóng viên”. Các bạn nhỏ chia nhóm để đóng vai phóng viên Báo Mặt trời nhỏ, phỏng vấn xung quanh chủ đề sử dụng quạt điện. Giáo viên khéo léo chốt vấn đề và giao nhiệm vụ cho trò tìm hiểu các loại quạt điện trong gia đình và quan sát việc sử dụng quạt điện của mọi người.

Bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng, cho hay, Chương trình môn Công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ và những phẩm chất đặc thù trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong gia đình, nhà trường, xã hội. Bên cạnh đó, bộ môn có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.

Cùng với các môn học khác, các hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh. Giáo dục công nghệ phổ thông hướng tới thúc đẩy giáo dục STEM, phát triển năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy thiết kế; trang bị cho học sinh tri thức, năng lực nền tảng để theo đuổi ước mơ nghề nghiệp.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, SGK Công nghệ lớp 3 được biên soạn trên cơ sở tiếp cận xu hướng quốc tế và theo quan điểm: Bám sát Chương trình GDPT 2018; phát triển năng lực, phẩm chất; kết nối thực tiễn; nhẹ nhàng, hấp dẫn, thiết thực” – bà Hương chia sẻ.

Theo cô Sâm, môn Công nghệ lớp 3 là môn học hay, thúc đẩy sự tìm tòi khám phá của học sinh. Các em rất hứng thú với môn học này. Không chỉ được khám phá kiến thức, thực hành để phát hiện, củng cố kiến thức mà trò còn được phát triển năng lực sử dụng công nghệ. Để đạt hiệu quả môn học, giáo viên cần tổ chức các phương pháp và kĩ thuật dạy học khác nhau giúp trò được khám phá, được luyện tập thực hành, được trao đổi, nhận xét, đánh giá mình và đánh giá bạn trong mỗi hoạt động, qua đó phát triển cho các em các năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của môn học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng tạo từ thực tiễn hạy học môn Công nghệ lớp 3