Một cách khác mà có thể giúp con quản lý tiền lì xì khéo léo là mở một tài khoản tiết kiệm đứng tên con tại ngân hàng. Bằng cách này, không chỉ giữ được tiền mà cha mẹ còn mang lại cho con một số tiền lãi nhỏ. Từ đó giúp cha mẹ hỗ trợ tài chính cho những khoản chi tiêu lớn trong tương lai cho con cái.
Ca sĩ Bằng Kiều và người vợ cũ Trizzie Phương Trinh cũng đã áp dụng cách này để quản lý tiền lì xì cho con. Hai người dù không còn bên nhau vẫn thống nhất với nhau cách dạy con đậm chất truyền thống. 3 con trai của họ đã được dạy cách quản lý tiền lì xì rất khéo. Số tiền lì xì đều cho các con tự giữ, trực tiếp đưa các con tới cây ATM để chuyển vào tài khoản. Theo Trizzie Phương Trinh, 3 đứa nhỏ đã lớn, đủ nhận thức nên biết cách chi tiêu tiền lì xì của mình. Đây cũng là cách để dạy các con tự lập, quản lý tiền của mình sau này.
Giống nhà Bằng Kiều, nghệ sĩ Xuân Bắc từng tiết lộ có lập tài khoản ngân hàng để Bi Béo, Minh Bủm gửi tiền và tiền lì xì vào đó. Ở nhà, hai con trai phụ mẹ làm việc nhà và được trả tiền, ngược lại mắc lỗi là bị phạt tiền. Vợ chồng nghệ sĩ muốn gửi gắm con bài học khi biết lao động chăm chỉ thì thành quả nhận được đáng tự hào.
* Dạy con lì xì là "kho báu tự quản"
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từ lâu đã cho các con biết rằng tiền lì xì hàng năm đều như "kho báu bí mật". Các con được tự quản lý từ nhỏ bằng cách cất vào một hộp riêng có mã khóa. Anh chia sẻ, tới giờ vẫn không biết là các con có bao tiền lì xì. Anh vẫn dạy các con biết tiền lì xì là món quà may mắn mà người lớn tặng các con chứ không quan trọng giá trị số tiền trong đó. Bởi hàng ngày mọi thứ trẻ đã được bố mẹ lo hết.
Để giúp con biết giá trị đồng tiền, nhạc sĩ thường dạy con bằng cách quý đổi và cách kiếm ra tiền qua các bài toán, câu chuyện kể. Chẳng hạn, con xin mua món đồ chơi trị giá 400.000 đồng thì sẽ hỏi con để con tính với từng tiền ấy sẽ ăn được bao bữa, nếu phần cơm trị giá 40.000 đồng. Qua việc này để cho con có thói quen tính toán, cân nhắc khi muốn mua một thứ gì đó…
Cha mẹ cũng có thể thảo luận cùng con những thứ cần mua, có cần thiết hay không và đề xuất những khoản chi tiêu khác có ích hơn như mua đồ dùng học tập, đồ dùng con thích… Việc trao đổi này giúp con thấy được lắng nghe và mình cũng có thể định hướng cho con tốt hơn khi lập kế hoạch chi tiêu hợp lý.