'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học

Hà Linh | 30/08/2022, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mạng internet chập chờn, tài khoản ngân hàng không có trên hệ thống, giao dịch liên tiếp báo lỗi… Hàng loạt vướng mắc khiến quá trình thanh toán lệ phí xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến của học sinh miền núi gặp nhiều khó khăn.

“Rào cản” hạ tầng

Năm 2022 lần đầu tiên ngành giáo dục triển khai hình thức thanh toán trực tuyến đồng loạt đối với tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Hệ thống thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và kết nối với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước.

Để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ (cơ quan quản lý Cổng Dịch vụ cổng Quốc gia) và 15 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán trong phân luồng, hỗ trợ thí sinh thực hiện các thủ tục.

Lần đầu tiếp cận hình thức đăng ký và thanh toán nguyện vọng trực tuyến, em Chu Chung Hoa, Trường PTDTNT Ka Lăng (tỉnh Lai Châu) không khỏi lóng ngóng. Hoa tâm sự, nhà em ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè. Ở đây không chỉ khó khăn về giao thông, mà sóng điện thoại, mạng internet đều chập chờn. Do vậy, ngay từ thời điểm đầu thực hiện đăng ký trực tuyến em đã gặp trục trặc.

“Đợt thi tốt nghiệp vừa qua em được 20 điểm và đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Do em chưa hiểu rõ, mạng internet lúc được lúc không nên khi đăng ký em đã không biết để thực hiện thao tác xác nhận bằng mã OTP. May mắn là các thầy cô giáo theo dõi trên hệ thống không thấy nên đã gọi hỏi để hướng dẫn và hỗ trợ em hoàn tất”, Hoa chia sẻ.

Cũng do những hạn chế về hạ tầng công nghệ nên mặc dù được thông báo từ sớm, nhưng đến mãi vừa rồi Hoa mới nhận được thông tin thực hiện thanh toán lệ phí qua trực tuyến. Em rối rít thực hiện các thao tác, song tài khoản ngân hàng lại không có trên hệ thống nên không hoàn tất được.

'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học ảnh 1

Một số học sinh thực hiện thao tác thanh toán trực tuyến nhiều lần song đều báo lỗi do mạng chập chờn.

Theo cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng thì Lai Châu là một trong những địa phương nằm trong nhóm phân luồng thực hiện thanh toán trực tuyến đợt 1. Trong khi đó, nhiều trường học vùng khó như Ka Lăng lại chưa đồng bộ về hạ tầng, giao thông, hệ thống đường truyền… Bởi vậy, những ngày đầu tiên thực hiện không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, vướng mắc trong thao tác.

“Hệ thống kết nối các nền tảng chưa ổn định khiến một số trường hợp phải truy cập lại nhiều lần. Điều này khiến các thí sinh, phụ huynh lo lắng. Rồi cũng vì sóng yếu nên một số thí sinh đến gần cuối thời hạn ban đầu rồi mới nhận được thông tin về việc thanh toán trực tuyến. Các em rối rít gọi điện lo không kịp đăng ký. Rất may là Bộ GD&ĐT gia hạn thêm thời gian thanh toán, nên chúng tôi có thêm thời gian hỗ trợ, gỡ khó cho các em”, cô Huyền cho hay.

Điện Biên cũng là địa phương nằm trong đợt 1 phân luồng thanh toán. Mặc dù đóng chân trên địa bàn thuận lợi, song những ngày qua nhiều học sinh tại Trường THPT huyện Tuần Giáo cũng gặp vướng mắc do hạn chế về hạ tầng.

Thầy giáo Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ học kỳ I, năm học 2021 – 2022, đơn vị đã phối hợp với 2 ngân hàng (Agribank và BIDV) trên địa bàn để mở tài khoản cho toàn bộ học sinh 12 của trường.

“Do chủ động từ trước nên việc tổ chức cho thí sinh đăng ký cũng như thanh toán trực tuyến cơ bản đều thuận lợi. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh cũng khó khăn trong thực hiện. Đặc biệt là tại 4 xã xa, khó khăn về giao thông, một số điểm chưa có điện, sóng chập chờn, như: Ta Ma, Phình Sáng, Khong Hin, Mường Thín”, thầy Bình chia sẻ.

'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học ảnh 2

Do sử dụng tài khoản ngân hàng MBBank, không có trên hệ thống nên em Chu Chung Hoa, Trường PTDTNT Ka Lăng (tỉnh Lai Châu) không thể tự thanh toán.

Đồng hành “gỡ” vướng

Cũng theo thầy Bình, do nắm bắt trước tình hình, nên nhà trường đã chủ động thành lập Tổ trợ giúp thí sinh. Tổ gồm 3 thầy, cô làm công tác tuyển sinh, thư ký hội đồng nhà trường, giỏi về công nghệ. Nhiệm vụ chính là tổ chức rà soát, tiếp nhận thông tin và giúp đỡ các trường hợp khi có nhu cầu.

Ngay khi nhận được thông tin về thời gian mở cửa hệ thống thanh toán trực tuyến, tổ trợ giúp đã chủ động thông báo đến toàn bộ học sinh có đăng ký nguyện vọng, thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, trao đổi thông tin qua lại để nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn các trường hợp khó khăn thanh toán đảm bảo theo đúng thời hạn.

“Những thí sinh ở 4 xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tập trung về trường để thầy cô trực tiếp thao tác, thực hiện thanh toán thay. Đến thời điểm này, cơ bản học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng của nhà trường đã hoàn tất thanh toán trực tuyến trên hệ thống”, thầy Bình cho hay.

'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học ảnh 3

Nhiều thí sinh được hỗ trợ tập trung về trường để được giáo viên trợ giúp.

Tương tự, tại Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên) đến thời điểm này 40/40 thí sinh đăng ký nguyện vọng đại học, cao đẳng của nhà trường đã hoàn tất việc thanh toán lệ phí trực tuyến. Thầy giáo Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Ngay từ thời điểm mở hệ thống, giáo viên trong Tổ trợ giúp đã hỗ trợ đắc lực cho các trường hợp có nhu cầu.

“Do số lượng học sinh không nhiều nên việc thanh toán trực tuyến đã hoàn tất từ sớm. Đa số thí sinh đều tự thực hiện bằng tài khoản ngân hàng của mình, hoặc người thân trong gia đình. Còn lại một số trường hợp quá trình thao tác gặp trục trặc, lỗi đường truyền, hoặc khác hệ thống ngân hàng đều thông tin kịp thời và được giáo viên nhà trường thanh toán giúp”, thầy Thượng cho hay.

Còn tại Trường PTDTNT Ka Lăng, nhiệm vụ hỗ trợ học sinh trong quá trình tuyển sinh được giao cụ thể cho cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền. Những ngày qua, điện thoại cô Huyền liên tục “nóng” lên bởi tiếp nhận các cuộc gọi hỗ trợ và thao tác thanh toán giúp học sinh.

'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học ảnh 4

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng hỗ trợ thí sinh thanh toán trực tuyến qua ứng dụng Viettel Money của cá nhân.

Cô Huyền chia sẻ, năm học này toàn trường có 31 học sinh đăng ký nguyện vọng. Qua theo dõi trên hệ thống, đến thời điểm hiện tại có 26 thí sinh đã hoàn tất thanh toán trực tuyến. Trong đó, cô Huyền trực tiếp thao tác giúp 10 em, thông qua ứng dụng Viettel Money. Đây là các trường hợp đã thao tác nhiều lần mà không được, hoặc khác hệ thống ngân hàng.

"Nhiều trường hợp khác gặp khó trong quá trình thao tác thì tôi hướng dẫn qua điện thoại. Hiện nay còn 5 em nữa chưa thấy đăng ký trên hệ thống, tôi đã thông tin nhắc nhở trên nhóm zalo của các lớp để các em nắm bắt. Vướng mắc đến đâu tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đến đó. Mục tiêu là không để học sinh nào vì điều kiện khách quan mà không được đảm bảo quyền lợi”, cô Huyền nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Sát cánh' cùng thí sinh vùng cao thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học