Bệnh nhân ăn bánh cuốn sau đó đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, dịch dạ dày, đau quặn bụng từng cơn.
Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân L.V 56 tuổi, đến từ Hải Dương.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng quanh rốn…
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán: Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hoá), tổn thương thận cấp.
Điều dưỡng Khoa Hồi sức truyền nhiễm chăm sóc người bệnh tại khoa.
Theo lời kể, bệnh nhân ăn bánh cuốn sau đó đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, dịch dạ dày, đau quặn bụng từng cơn, đau bụng liên tục, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân vàng, không có bọt, sốt nhẹ, toàn thân gai rét. Ngoài ra ý thức tỉnh táo, không đau đầu, đau ngực, tiểu tiện bình thường.
Nhờ phát hiện sớm các triệu chứng, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, chẩn đoán, điều trị đúng, tích cực bằng phác đồ điều trị: hồi sức chống sốc, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện sau 5 ngày điều trị.
TS Nguyễn Trọng Thế, Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp đến bệnh viện vào giai đoạn muộn trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xuất phát từ những thực phẩm vệ sinh kém, là môi trường thuận lợi khiến người bệnh dễ dàng mắc bệnh.
Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6 giờ - 24 giờ, bao gồm:
- Đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng.
- Cảm giác buồn ăn nhưng không ngon miệng.
- Sốt, mệt mỏi, suy nhược.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Mất nước và điện giải, vã mồ hôi.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá chúng ta cần:
- Ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc.
- Rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ.
Khi gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, quý vị nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp tránh để lại các biến chứng đe doạ tính mạng.