Nhiều tài xế cho biết các ứng dụng được TP hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh tính theo số lượng shipper đăng ký với tần suất 3 ngày/lần xét nghiệm mẫu gộp 3, nhưng nhiều điểm xét nghiệm lại lấy mẫu riêng.
Do đó, các shipper phải tự chuẩn bị thêm bộ xét nghiệm, khiến chi phí bị đội lên. Trong khi những điểm xét nghiệm lấy phí thấp bị quá tải do tập trung đông shipper, một vài điểm xét nghiệm lấy phí khá cao.
Lo hệ thống tiếp nhận bị chập chờn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các DN cung cấp ứng dụng cho biết rất ủng hộ phương án cho phép các shipper tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm để tránh tình trạng quá tải tại các điểm test với nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh như hiện nay.
Tuy nhiên các DN phải làm việc với bên vận hành để lên phương án tổ chức các điểm phát bộ xét nghiệm cho shipper, đồng thời phối hợp với các đơn vị y tế để tổ chức tập huấn cho shipper tự xét nghiệm.
Theo đại diện Gojek, ngay trong ngày 24/9, hãng đã triển khai việc tập huấn cho các shipper quy trình tự xét nghiệm và trả kết quả ngay tại chỗ. Hãng cũng tổ chức phân phối bộ test tại 36 địa điểm, hoạt động từ 6h sáng đến 4h chiều.
Trong khi đó, đại diện Ahamove đề xuất phân phối các bộ xét nghiệm về các trạm y tế phường để shipper có thể đến lấy, mỗi tuần 1-2 bộ xét nghiệm tùy theo tần suất mà cơ quan chức năng yêu cầu.
Dù khẳng định ủng hộ phương án mới này, nhưng đại diện ShoppeFood cũng bày tỏ lo lắng việc cập nhật kết quả xét nghiệm còn nhiều vấn đề.
Trong thực tế, ứng dụng này đã sử dụng cả AI, cả con người để xử lý kết quả xét nghiệm mà shipper gửi về nhưng cũng ghi nhận nhiều bất cập.
Phần mềm của Sở Thông tin và truyền thông hoạt động đôi khi không "mượt", chập chờn, trong khi tốc độ shipper gửi thông tin xét nghiệm là liên tục với hàng nghìn mẫu mỗi ngày.
"Chưa kể thông tin trong phần mềm của Sở Thông tin và truyền thông cũng không được đồng bộ với Công an TP.HCM, trong khi lịch trình đồng bộ cũng chưa rõ ràng" - vị này cho biết.