Sĩ tử chạy sô, dự thi 5 trường chuyên trong 12 ngày

03/06/2023, 17:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để tăng cơ hội đỗ, Phương Linh đăng ký thi 2 trường THPT chuyên. Trong khi đó, con trai anh Vương Thành nộp hồ sơ dự tuyển vào 5 trường.

Sáng 3/6, gần 4.000 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Thí sinh phải thực hiện 3 bài thi gồm Đánh giá năng lực ngoại ngữ; Đánh giá năng lực Toán và Khoa học Tự nhiên; Đánh giá năng lực Văn và Khoa học Xã hội.

Có mặt tại điểm thi từ 6h, Đặng Minh Ánh (học sinh lớp trường THCS Quang Minh, huyện Mê Linh) tranh thủ ôn lại bài trước khi vào phòng thi.

"Em khá hồi hộp, lo lắng bởi đăng ký vào lớp chuyên Tiếng Nga. Năm nay, có tới hơn 300 thí sinh đăng ký lớp chuyên này nhưng chỉ tiêu chỉ 15 bạn", Ánh chia sẻ.

thi chuyen anh 1
Minh Ánh tranh thủ xem lại bài vở trước khi vào phòng thi. Ảnh: Ngọc Bích.

Trước ngày thi vẫn học đến 23h

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Ánh cho biết tối qua, em vẫn thức đến 23h để ôn bài dù sáng hôm sau phải dậy sớm (5h) để di chuyển đến điểm thi. Nữ sinh chia sẻ thời gian qua, hầu hết em tự ôn tập để thi chuyên thay vì đi học thêm. Chính vì vậy, một số phần Ánh vẫn chưa nắm chắc và không yên tâm nếu đi ngủ sớm.

"Em lo nhất phần thi Writing bởi em có thể nghĩ ra ý tưởng. Tuy nhiên, khi diễn đạt sang tiếng Anh, em thường gặp khó khăn", Ánh nói.

Chung tâm trạng lo lắng, Đoàn Phương Linh (học sinh trường THCS Hoàng Mai) cho biết tối qua, em cũng ôn lại bài đến 22h30 mới đi ngủ. Tuy nhiên, với Linh, đi ngủ lúc 22h30 vẫn là sớm bởi suốt mấy tháng gần đây, mỗi ngày, em đều thức đến 0h30 để học.

"Dù đã chuẩn bị tinh thần, sáng nay, em vẫn thấy ngợp vì khá đông thí sinh dự thi", Linh chia sẻ.

Khác với Phương Linh hay Minh Ánh, tối qua, Đỗ Giang Tuệ Anh (học sinh trường THCS Kim Nỗ, Đông Anh) không thức muộn để ôn tập. Nữ sinh chủ động xem lại bài vở vào buổi sáng, dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái.

Dù vậy, 6h25, có mặt tại điểm thi, Tuệ Anh vẫn không tránh khỏi hồi hộp. Nữ sinh cho biết THPT chuyên Ngoại ngữ là ngôi trường em đặt nguyện vọng cao nhất. Vì vậy, em rất kỳ vọng vào ngày thi hôm nay.

"Em đăng ký vào lớp Tiếng Nga. Mọi năm, điểm chuẩn vào lớp này khá cao, năm nay, tỷ lệ chọi lại đứng đầu. Dù đã chuẩn bị tinh thần, em vẫn rất lo lắng, chỉ tự tin 70% sẽ đỗ", Tuệ Anh nói.

thi chuyen anh 2
Nhiều thí sinh đăng ký dự thi 2-5 trường chuyên để tăng cơ hội đỗ. Ảnh: Ngọc Bích.

Đăng ký thi nhiều trường chuyên để tăng cơ hội đỗ

Để tăng cơ hội đỗ, Phương Linh cho biết ngoài lớp chuyên Tiếng Nga của trường THPT chuyên Ngoại ngữ, em còn đăng ký thêm lớp chuyên Văn của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngày thi là 4/6.

Để dự phòng, Linh cũng đăng ký thêm nguyện vọng tại một trường THPT công lập. Như vậy, trong vòng 10 ngày, Linh phải thi 3 trường với 10 bài thi.

Nữ sinh cho hay căng thẳng nhất vẫn là 2 ngày thi 2 trường chuyên bởi lịch thi diễn ra sát nhau, em không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Suốt một năm nay, em đã dành nhiều thời gian ôn tập. Thế nhưng, vì chọn 2 trường với 2 môn chuyên khác nhau, định dạng các bài thi cũng khác, Linh khá vất vả trong việc ôn tập.

Cũng để tăng cơ hội đỗ, con trai anh Vương Văn Thành (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đăng ký dự thi tới 5 trường chuyên, bao gồm các lớp chuyên Tin học, Tiếng Nga và Tiếng Anh của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Nguyễn Huệ và lớp chuyên của trường THPT Sơn Tây.

Giống như Linh, con trai anh Thành cũng đăng ký thêm một nguyện vọng tại trường THPT công lập để dự phòng. Lịch thi các trường trải dài từ ngày 1/6 đến 12/6. Như vậy, trong vòng 12 ngày, nam sinh này phải làm tới 13 bài thi.

Với lịch dày đặc, các ngày thi sát nhau, anh Thành cũng phải sắp xếp thời gian, công việc để đưa đón con. Nhà xa, 2 cha con thường di chuyển từ 4h30 để kịp đến điểm thi.

Phụ huynh này cho biết để chuẩn bị tốt nhất cho những kỳ thi tuyển sinh, quá trình ôn tập của con trai bắt đầu từ những năm đầu cấp 2. Trong đó, 2 năm lớp 8 và lớp 9 là giai đoạn nước rút.

Suốt một năm qua, anh Thành xin cho con nghỉ học phụ đạo buổi chiều ở trường. Thay vào đó, anh và một số phụ huynh khác gom nhóm, thuê gia sư đến nhà dạy con. Không những thế, 16h mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, nam sinh này lại di chuyển bằng xe buýt vào nội thành để luyện thi tại trung tâm.

"Riêng chủ nhật, con đi từ 5h30 và học cả ngày. Thông thường, con về đến nhà lúc 22h30-23h, ăn uống và nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, con sẽ dậy từ 5h để tự học trước khi đến trường. Ròng rã hơn một năm như vậy, con rất vất vả", anh Thành chia sẻ.

Tương tự, con gái chị Vũ Thị Lan (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng đăng ký thi chuyên Tiếng Anh tại 3 trường THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây.

Lý giải việc chọn thi thêm 2 trường chuyên thuộc sở, chị Lan cho biết điểm chuẩn 2 trường này thường thấp hơn, lại cách kỳ thi vào trường chuyên Ngoại ngữ gần 10 ngày, con sẽ giảm căng thẳng, có thêm cơ hội đỗ.

Dù vậy, thời gian qua, con gái chị Lan cũng chật vật hơn trong quá trình ôn luyện. Nữ sinh học ở trường, học thêm kín tuần, mỗi ngày đều 3 ca. Chị Lan cho biết suốt một năm nay, chưa hôm nào, chị thấy con đi ngủ lúc 22h. Sớm nhất, 0h con mới ngủ.

"Có hôm, bố mẹ đi ngủ trước, 1-2h tỉnh, vẫn thấy con đang học, rất xót", chị Lan chia sẻ.

Thấy con thức khuya dậy sớm, ngày đêm ôn luyện, chính chị Lan cũng căng thẳng, mất ăn mất ngủ theo. Thương con, chị chỉ biết động viên con cố gắng để đạt được mục tiêu con đặt ra từ lâu. Sáng nay, đợi con ở ngoài điểm thi, tâm trạng chị Lan hồi hộp, lo âu không kém thí sinh.

Bài liên quan
Sĩ tử Thanh Hóa bước vào kỳ thi lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn
Sáng 26/5, thí sinh tại Thanh Hóa bước vào ngày thi đầu tiên, kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn, năm học 2023-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sĩ tử chạy sô, dự thi 5 trường chuyên trong 12 ngày