Hải quân Mỹ trước đó cho biết lò phản ứng hạt nhân và không gian bên trong tàu ngầm Connecticut làm đủ công năng và không bị ảnh hưởng. Hai quan chức quốc phòng Mỹ từng tiết lộ USS Connecticut đã bị hỏng bể dằn phía trước mũi.
Giới chuyên gia ban đầu cho rằng phía trên mũi tàu và vòm thủy âm không có dấu hiệu hư hại, nhưng một cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận định mũi tàu đã được tháo bỏ và hệ thống định vị thủy âm (sonar) của USS Connecticut đang chìm dưới nước.
Vụ va chạm có ảnh hưởng đáng kể tới năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Jay Stefany, Tướng Hải quân Mỹ cảnh báo sửa chữa USS Connecticut ở nhà máy thuộc sở hữu chính phủ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn, gián đoạn toàn bộ công việc, do các cơ sở này đang quá tải với sửa chữa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
USS Connecticut được thiết kế, để trở thành những thợ săn thực thụ với vũ khí chính là 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với các tàu ngầm trước đó. Cơ số đạn ngư lôi là 50 quả hạng nặng Mark 48; ngoài ra còn có tên lửa chống hạm Sub-Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk. Khi cần thiết, USS Connecticut có thể mang theo thủy lôi.
Theo Hải quân Mỹ, USS Connecticut và những tàu cùng lớp hoạt động êm hơn 10 lần, trong phạm vi tốc độ hoạt động, so với các tàu ngầm Los Angeles cải tiến, và yên tĩnh hơn 70 lần so với các tàu ngầm lớp Los Angeles nguyên bản.
USS Connecticut có thể chạy êm với tốc độ gấp đôi, so với những chiếc tàu ngầm trước đây. Vì vậy, việc USS Connecticut chậm trễ trong việc trở lại hoạt động ảnh hưởng lớn đến năng lực chiến đấu ngầm của Quân đội Mỹ.