Bên cạnh đó, nhóm sinh viên gồm các chàng trai Nguyễn Thanh Bình, Vũ Văn Hiếu, Đoàn Ngọc Trung và Phạm Ngọc Quỳnh đã thành công với đề tài nghiên cứu chiết tách tinh dầu. Nguyễn Thanh Bình, sinh viên năm 3 Trường Cơ khí cho biết: Nghiên cứu về tinh dầu được quan tâm nhiều bởi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần từ sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe chứa hóa chất sang loại tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Do đó, nhóm nghiên cứu sự hình thành, phát triển và đặc tính của tinh dầu; phát triển hệ thống sử dụng CO2 ở trạng thái siêu tới hạn để chiết. Phương pháp này an toàn, cho ra tinh dầu chất lượng cao, đảm bảo độ nguyên chất. Các thành phần trong tinh dầu không bị thay đổi như phương pháp truyền thống.
Chạy đua với thời gian, nhóm đã miệt mài nghiên cứu với sự hướng dẫn sát sao của TS Lê Kiều Hiệp. “Lúc đầu, gặp nhiều vấn đề về thiết bị khiến cả nhóm xuống tinh thần. Như việc gia công thiết bị đòi hỏi sự cẩn thận, nhiều lần nhóm tiến hành nghiên cứu nhưng sản phẩm không đảm bảo, liên tục bị rò rỉ, áp suất trong thiết bị không được đẩy cao đến mức độ yêu cầu.
Bỏ nhiều công sức, thời gian, kết quả lại không như mong muốn, thành viên nào cũng nản. Nhưng buồn một lúc, tất cả lại động viên nhau cố gắng. Thật vui khi mọi nỗ lực được đáp trả. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm tinh dầu chất lượng cao có thể được thương mại hóa với giá bán cao hơn từ 5 đến 10 lần so với tinh dầu truyền thống”, Thanh Bình chia sẻ.
Chung niềm vui thành công của các học trò, TS Lê Kiều Hiệp trao đổi: “Đồng hành và hiểu tâm lý của sinh viên, tôi luôn động viên, cùng tham gia làm thí nghiệm để lên dây cót tinh thần cho các bạn. Tôi luôn khuyên các em nghiên cứu khoa học không giống làm thí nghiệm môn học, không phải một sớm một chiều là đạt kết quả như mong muốn.
Tôi hy vọng nhóm tiếp tục hướng nghiên cứu, phát triển thành hệ thống lớn, hiệu suất cao hơn, dự kiến một lần nạp nguyên liệu được khoảng 15kg, cùng đó, thêm hệ thống thu hồi CO2 để tuần hoàn sử dụng và tiến hành khảo sát hiệu suất thực tế của thiết bị với các chế độ làm việc khác nhau. Các em nên nhớ, có đam mê làm nghiên cứu khoa học sẽ thu được kết quả tốt vì kiến thức cơ bản đều đã học”.
Sự đồng hành của các thầy cô Trường Cơ khí và Trường Hóa & Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội) với mong muốn giúp sinh viên không chỉ làm quen với nghiên cứu khoa học, mà có đủ kiến thức, năng lực sẵn sàng cho mọi môi trường làm việc và nghiên cứu sau này. Thầy cô cũng gửi gắm đến các bạn trẻ mong muốn: Mỗi cá nhân là sứ giả để gửi đi thông điệp sống xanh thông qua việc vận dụng kiến thức đa ngành/liên ngành được học vào nghiên cứu khoa học góp phần bảo vệ môi trường.