Sinh viên bào chế thuốc điều trị tăng mỡ máu từ lá sen

Nhật Phong | 25/03/2022, 06:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM đã tận dụng hoạt chất quý trong lá sen để bào chế thành viên nang mềm điều trị tăng mỡ máu và stress.

Lá sen được nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM nghiên cứu thành thuốc.Lá sen được nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM nghiên cứu thành thuốc.

Lá sen chứa nhiều hoạt chất quý

Nhóm sinh viên dưới sự hướng dẫn, giám sát bởi PGS.TS Trần Phi Hoàng Yến và TS Trần Lê Tuyết Châu, Bộ môn Hóa Lý – Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu tìm hiểu hoạt chất trong lá sen để tận dụng và bào chế thành sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sinh viên Đặng Lê Như Phương, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, xu hướng hiện nay các nhà khoa học đi tìm kiếm phương pháp điều trị mới từ thiên nhiên có thể đạt được tác dụng như các thuốc hóa dược nhưng ít tác dụng phụ hơn. Theo tìm hiểu của nhóm, hiện lá sen được chiết đơn giản với nước để bán dưới dạng cao toàn phần kinh doanh nhưng hiệu quả rất kém.

Trong khi đó, lá sen chứa những hoạt chất có tiềm năng rất cao trong điều trị nhưng không dễ tan trong nước, việc cải thiện độ tan của chúng với dạng bào chế viên nang mềm dễ sử dụng có thể giúp nguyên liệu này trở thành một thuốc điều trị cho tác dụng tương đương.

Phương cùng nhóm bạn lên ý tưởng sẽ bào chế một sản phẩm với nguyên liệu và hoạt chất lấy từ thiên nhiên là lá sen giúp điều trị một trong những tình trạng xấu về sức khỏe phổ biến hiện nay là mỡ máu cao, các bệnh liên quan đến stress, oxy hóa.

Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm làm từ lá sen đều làm dạng cao đặc và là thực phẩm chức năng, chưa có sản phẩm thuốc. Việc điều chế ra viên nang mềm chứa hoạt chất nuciferin sẽ là một giải pháp an toàn cho người bệnh.

“Những bài báo khoa học đề cập nhiều về ứng dụng của lá sen hiện nay nhưng chưa có sản phẩm nào ứng dụng được gọi là thuốc điều trị từ thiên nhiên. Chúng em muốn tạo ra loại thuốc từ thiên nhiên, tận dụng được nguyên liệu có sẵn, giá rẻ”, Phương chia sẻ.

Quy trình để sản xuất viên nang được nhóm nghiên cứu gồm thu hoạch, phơi khô, cắt nhỏ và chiết xuất hoạt chất bằng cồn. Sau khi thu được dịch chiết sẽ cô đặc trên bếp cách thủy và tạo cao lỏng. Cao lỏng sẽ được khảo sát để đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở.

Sau khi có cao lỏng, nhóm thực hiện khảo sát độ tan của hoạt chất nuciferine trong các tá dược và xây dựng giản đồ 3 pha để chọn ra vùng tạo vi nhũ tương.

Sau khi chọn được các tá dược phù hợp và tạo giá mang, hoạt chất sẽ được đưa vào giá mang và xây dựng công thức bào chế vỏ viên nang mềm, đưa hệ giá mang có hoạt chất vào trong vỏ viên nang mềm. Nhóm đã thử nghiệm trên mô hình in vitro với enzym lipase tuỵ lợn và đo hoạt tính chống oxy hóa.

Sử dụng lâu dài cho người bệnh

Nhóm đã sử dụng công nghệ bào chế viên nang mềm chứa hệ nano tự nhũ hóa Self-nanoemulsifying drug delivery systems (SNEDDS) dành cho nuciferin, hoạt chất chính đem lại nhiều giá trị trong điều trị. Sản phẩm điều chế được kiểm soát chặt chẽ với các khâu kỹ thuật tuân theo tiêu chuẩn sản xuất dành cho thuốc, không phải tiêu chuẩn kiểm nghiệm thực phẩm như các sản phẩm trên thị trường.

TS Trần Lê Tuyết Châu, giảng viên hướng dẫn nhóm, cho biết, sáng tạo của nhóm nghiên cứu là chế tạo ra dạng viên nang mềm, nhỏ gọn, giúp việc sử dụng sản phẩm trở nên thuận tiện mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Hơn nữa, do có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên nên việc sử dụng lâu dài sẽ không gây nên nhiều các tác dụng không mong muốn nhiều như các thuốc hóa dược khác. Tác dụng phụ của các loại thuốc hóa dược, nếu sử dụng lâu dài thường dẫn đến những hậu quả khó lường đối với tình trạng sức khỏe.

Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu tự nhiên, tá dược đều có thể tìm thấy sẵn có với giá cả hợp lý trên thị trường Việt Nam, có thể vận hành nhanh chóng với quy mô công nghiệp. Ngoài ra, việc sử dụng hoạt chất chính sẽ giúp kiểm soát hiệu quả điều trị tốt hơn cũng như tiết kiệm được số lượng lớn nguồn nguyên liệu đầu vào.

Lá sen được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là liên diệp hoặc hà diệp, được thu hái quanh năm, thường dùng lá non (hoặc lá còn cuộn lại chưa mở) và lá bánh tẻ, bỏ cuống. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô, đôi khi sao thơm. Dược liệu là nguyên lá to, khô, màu lục, không bị sâu, không có vết thủng, có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, không độc.

Bài liên quan
Viettel là doanh nghiệp Công nghệ cao có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ
(GDTĐ) - Với 8 văn bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ, đến nay theo danh sách của Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ , Viettel là doanh nghiệp Công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên bào chế thuốc điều trị tăng mỡ máu từ lá sen