1,5 triệu là đủ mức tối thiểu?
Theo Nguyễn Ngọc Mai (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân), mức chi tiêu tùy thuộc vào mỗi người. Mai nhận thấy có khi 1,5 triệu vẫn đủ hoặc 7 triệu mà còn thiếu.
Ngọc Mai nói: "Lúc mới lên đại học, chưa đi làm thêm bố mẹ cho bao nhiêu thì em tiêu bấy nhiêu, không xin thêm. Không tính tiền phòng, tiền học phí thì 1,5 triệu mỗi tháng đủ để ăn uống, chi tiêu các việc khác.
Sau khi nhập học 2 tháng em bắt đầu đi làm thêm, có mức thu nhập riêng nên có thể tự lập tài chính. Trước đây em làm người mẫu ảnh, còn mùa dịch em đã bén duyên thời điểm khó khăn chung này. Mức chi tiêu bây giờ em cảm thấy cũng dư giả hơn so với ngày bắt đầu học đại học.
Em thường áng chừng khoản chi tiêu cho phép bằng cách chia tiền thành các đầu mục: phí sinh hoạt, tiền học phí, sở thích cá nhân, tiết kiệm và có thể là giúp đỡ gia đình. Do tính chất công việc nên em cũng có thêm một khoản để đầu tư chăm sóc cá nhân như mua mỹ phẩm, đi spa chăm da".
"4 - 6 triệu đồng/ tháng là đảm bảo mức sống ở thành phố"
Theo Nguyễn Công Thức (sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) thì: "4 - 6 triệu đồng/ tháng là đảm bảo mức sống cơ bản ở thành phố".
"Khi sống ở thành phố thì mọi thứ chi phí đều "đội" lên, từ tiền thuê nhà, ăn uống, mua sắm… Bản thân em thì mức chi phí mỗi tháng trung bình khoảng 6 triệu, bao gồm phí sinh hoạt cũng như các dịp sinh nhật, đám cưới và mối quan hệ xã hội. Tất nhiên là các khoản phát sinh này không phải tháng nào cũng có, nên em sẽ để dành số dư ấy vào khoản tiết kiệm.
Em có thói quen tiết kiệm tiền nên đến bây giờ cũng đã có một con số kha khá. Em luôn đặt ra các mục tiêu, ví dụ như một năm muốn mua được món đồ có giá trị nào đó thì mỗi tháng sẽ phải để dành bao nhiêu tiền? Đối với sinh viên thường được gia đình chu cấp thì cũng đừng tiêu xài hoang phí quá, vì bố mẹ kiếm tiền cũng rất vất vả".