Điểm khác biệt trong nghiên cứu này là nhóm ứng dụng IoT vào máy để bệnh nhân tiện theo dõi sức khỏe. Đi kèm với máy là phần mềm có vai trò nhận, gửi và thống kê dữ liệu tự động. Do đó, với thiết bị này, người nhà có thể chăm sóc bệnh nhân từ xa, các bác sĩ cũng có thể theo dõi và hỗ trợ đồng thời cho nhiều bệnh nhân.
Nhóm đã nâng cao khả năng lập trình để kiểm soát sai số cũng như lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng. Với thời gian nghiên cứu lâu dài và bền bỉ, nhóm tự tin làm chủ công nghệ thiết kế mạch, lập trình phần cứng, phần mềm và công nghệ in 3D cho các chi tiết máy. Thiết bị của nhóm nhận được sự ủng hộ rất lớn của các chuyên gia, bác sĩ.
Tính đến tháng 6/2023, nhóm đã được tài trợ và triển khai 30 sản phẩm đến các phòng khám, bệnh viện để thử nghiệm và ghi nhận ý kiến phản hồi. Nhóm mong muốn sẽ đưa sản phẩm tiếp cận đến nhiều cá nhân, tổ chức hơn, đồng thời tìm kiếm các đơn vị đồng hành để phát triển sản phẩm trong tương lai.
PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết nhà trường đang có đề án thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo. Một trong những mục tiêu cụ thể của trung tâm này là kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu cung cấp công nghệ với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, mô hình khám, chữa bệnh trên toàn thế giới đang chuyển dịch theo xu hướng cá nhân hóa, di động và ưu tiên phòng ngừa, với các ứng dụng công nghệ sức khỏe thông minh, nhằm đem đến tiện ích tối đa cho người dân trong việc chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Chính vì thế, các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là AI, IoT vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang góp phần tạo cơ sở cho các đột phá về chuyển đổi số trong y tế.