Sinh viên chọn làm thêm công việc văn phòng để kiếm tiền nhiều hơn

19/05/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làm thêm những công việc đúng chuyên ngành, đúng sở thích, sinh viên có thêm cơ hội trau dồi kỹ năng và nhận được mức lương xứng đáng.

sinh vien lam them anh 1

Nhiều sinh viên chọn làm thêm các công việc đúng chuyên ngành đang học. Ảnh minh họa: Pexels.

Tháng 12/2022, khi lướt xem bài đăng trên một website tuyển dụng, Thanh Phước, sinh viên năm cuối ngành Marketing tại Đại học Kinh tế TP.HCM, tìm thấy tin tuyển dụng vị trí thực tập sinh của một công ty truyền thông tại TP.HCM.

Nữ sinh gửi CV ứng tuyển và nhanh chóng được nhận vào làm việc với vai trò thực tập sinh tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing Intern). Thời điểm đó, vì đã hoàn thành chương trình học, Phước gần như đi làm toàn thời gian như một nhân viên chính thức. Những ngày bận thi trên trường hoặc đi học thêm, cô được công ty tạo điều kiện nghỉ để hoàn thành chương trình học.

Lương cao hơn

Dù chỉ là thực tập sinh, Phước vẫn được công ty trả lương hàng tháng với mức lương 7 chữ số và nhận được một số phúc lợi đi kèm. Tương tự các nhân viên khác, thời gian đầu vào công ty, Phước được cấp trên hướng dẫn những việc cần làm. Do đặc thù công việc liên quan tiếp thị kỹ thuật số, nữ sinh vừa được hướng dẫn, vừa được thực hành song song.

sinh vien lam them anh 2

Thanh Phước thực tập tại một công ty ở TP.HCM và mới được đề xuất lên làm nhân viên chính thức. Ảnh: NVCC.

Hiện, Phước làm các nhiệm vụ xoay quanh việc tối ưu hóa cho các kênh, nền tảng của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Ngoài ra, cô được giao nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xu hướng hiện có để đề xuất với bộ phận làm việc với nhãn hàng. Hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng, Phước đảm nhận viết báo cáo về hiệu suất của các kênh trên mọi nền tảng.

Trước khi làm thực tập sinh ở công ty hiện tại, Thanh Phước từng làm thực tập sinh thiết kế đồ họa cho một doanh nghiệp. Hồi đó, nữ sinh chỉ làm thực tập sinh online nên đầu việc không nhiều, mức lương cũng không cao như công việc đang làm.

Dù là công việc trước đây hay hiện tại, Phước đều cảm thấy vui và thích thú vì cô được làm đúng công việc bản thân yêu thích và được áp dụng những kiến thức đã học ở trường đại học. Đối với cô, những cơ hội thực tập này đáng giá hơn nhiều so với công việc bán quần áo cô từng làm khi mới lên đại học.

Hà My, sinh viên năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng nhận thấy làm thêm công việc liên quan ngành học sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể.

Hiện, Hà My đang làm nhân viên marketing bán thời gian tại 2 doanh nghiệp cung cấp giải pháp chiến lược công nghệ sáng tạo và marketing. Trước đó, My cũng làm thêm tại một doanh nghiệp khác ở vị trí tương tự, đồng thời nhận thêm công việc liên quan để làm freelance.

“Về lâu dài, mình có định hướng theo đuổi lĩnh vực marketing. Chính vì vậy, ngay từ đầu, mình đã xác định sẽ làm thêm các công việc liên quan đến định định hướng phát triển của bản thân”, My nói.

My cho biết với cả 3 công việc làm thêm trên, cô đều nhận đãi ngộ lương cứng kết hợp thưởng theo dự án. Chưa kể, sau mỗi công việc, có thêm kinh nghiệm, My lại ứng tuyển vào các vị trí việc làm tốt hơn. Từ đó, mức thu nhập của nữ sinh cũng tăng dần ngay từ khi đang là sinh viên.

Hiện tại, My có mức thu nhập khá ổn, cao gấp 3-4 lần so với các công việc phổ biến sinh viên thường làm. Với mức thu nhập đó, My đã có thể tự chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân, đồng thời san sẻ cùng bố mẹ một phần học phí đắt đỏ.

“Mình không phải đi thuê trọ. Vì vậy, mọi chi tiêu cá nhân mình đã có thể chủ động. Tuy nhiên, học phí khá cao và có theo đuổi một số khóa học bên ngoài, mình vẫn cần sự hỗ trợ từ bố mẹ. Kỳ nào có thêm học bổng, mình đã có thể tự chi trả 70% học phí”, My nói.

Trưởng thành nhờ làm việc thực tế

Thời gian đầu, dù môi trường làm việc tốt, My cho biết cô vẫn gặp nhiều áp lực khi phải đối mặt với công việc, khách hàng - những thứ trước đây cô chỉ được học trên sách vở, giảng đường.

Theo My, khi làm công việc văn phòng, kể cả với thực tập sinh, khối lượng công việc chắc chắn lớn và căng thẳng hơn nhiều so với khi làm những công việc phổ thông. Nhớ lại lần đầu phải đối mặt với những phản hồi gay gắt từ khách hàng, My rất căng thẳng bởi khi xác định đi làm, cô phải đặt trách nhiệm lên vị trí ưu tiên.

sinh vien lam them anh 3

Hà My hiện làm 2 công việc cùng lúc. Ảnh: NVCC.

“Mình khá loay hoay, thậm chí có phần sợ bởi đó là trường hợp đầu tiên mình tiếp cận, rất non nớt. Nhưng mình nhận ra đó là những vấn đề không sớm thì muộn, mình cũng sẽ gặp phải. Vì vậy, dù được anh chị đi trước hướng dẫn, giúp đỡ, mình vẫn đặt ra yêu cầu bản thân phải tự chủ động giải quyết vấn đề. Khi ấy mình mới trưởng thành được", nữ sinh chia sẻ.

Theo My, dù có căng thẳng, đó cũng là những áp lực tích cực, giúp cô rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề, sắp xếp công việc. Từ đó, chính My cũng tiến xa hơn.

Tương tự nhiều sinh viên khác, My cũng gặp khó khăn khi phải cân bằng giữa việc học và việc làm thêm. Có thời gian, vì chưa quen công việc, My không thể cân bằng mọi thứ.

“Nhiều ngày, mình chuyển việc học vào cuối ngày và phải học rất khuya để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe mình bị giảm sút", My kể và cho biết phải mất một thời gian, cô mới biết cách sắp xếp thời gian hợp lý.

Trái ngược với sự áp lực của Hà My, Thanh Phước lại khá thoải mái khi làm thêm. Lý do là cô được làm việc trong môi trường lành mạnh, không độc hại, đồng nghiệp thân thiện và thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn cô khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nữ sinh nói thêm rằng công ty luôn tạo điều kiện để cô có thêm nhiều thời gian, cơ hội để học thêm, trau dồi cho tương lai nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Quản lý của Phước cũng thường xuyên quan tâm, để ý đến khối lượng công việc của nữ sinh, tránh để cô quá tải.

Làm việc tại công ty trong hơn nửa năm, Phước chưa từng nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc do áp lực hay quá tải. Cô nói rằng nếu sau này có ý định nhảy việc, lý do cũng chỉ liên quan đến việc cô muốn khám phá thêm khía cạnh mới để xác định thế mạnh và những điều bản thân muốn hướng đến.

Nhận được nhiều hơn mong đợi

Trao đổi thêm với Zing, Thanh Phước nói rằng công việc thực tập sinh hiện tại khá liên kết với những kiến thức được học ở trường nên cô có thể tận dụng và phát huy thế mạnh của bản thân. Khi đi làm, nữ sinh được học thêm những kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…

Về phần kiến thức, công việc ở công ty giúp Phước bổ sung những nội dung chuyên sâu hơn so với kiến thức ở trường đại học. Nhờ làm việc mỗi ngày, nữ sinh cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và giúp bản thân mở mang hơn. Đặc biệt, do đặc thù công việc, Phước nhận thấy khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của cô được nâng cao so với trước đây.

sinh vien lam them anh 4

Sinh viên được trau dồi kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ nhờ những công việc bán thời gian ở văn phòng. Ảnh minh họa: Pexels.

Vị trí thực tập sinh cũng giúp người hướng nội như Thanh Phước mở rộng các mối quan hệ và được tiếp xúc với nhiều influencer (người có sức ảnh hưởng). Nhờ các mối quan hệ mới, Phước được trải thêm nhiều điều mới mẻ liên quan công việc và lĩnh vực đang theo đuổi.

Vừa qua, Thanh Phước được công ty đề xuất lên vị trí mới là Junior Digital Executive. Sắp tới, nữ sinh sẽ trở thành nhân viên toàn thời gian của công ty và nhận được mức lương 8 chữ số, kèm theo nhiều phúc lợi dành cho nhân viên chính thức.

Về phía Hà My, nữ sinh cho biết cô cảm thấy khá may mắn khi lĩnh vực cô theo đuổi có nhiều cơ hội việc làm ngay từ khi nhân sự còn là sinh viên. Điều này khác với một số ngành đặc thù, đòi hỏi sinh viên phải có đầy đủ về mặt kiến thức trước khi tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, buộc nhiều bạn phải làm một số công việc làm thêm không đúng ngành học.

“Các công việc làm thêm phổ thông cũng bổ trợ cho sinh viên các kỹ năng nhất định như giao tiếp, xử lý tình huống. Tuy nhiên, việc theo đuổi các công việc làm thêm văn phòng, đúng ngành học hoặc định hướng chắc chắn sẽ có lợi thế hơn với sinh viên", My nhận định.

Theo My, việc làm thêm đúng ngành đã giúp cô có nhiều bước phát triển, nhất là khi nữ sinh được làm việc với các doanh nghiệp lớn. Theo đó, My được đào tạo về mặt chuyên môn, xây dựng tác phong làm việc cũng như các rèn các kỹ năng cần thiết.

“Bây giờ, mình không còn nhiều căng thẳng mỗi khi đối mặt với khách hàng nữa. Mình tự tin hơn, biết cách ứng biến, khéo léo xử lý từng tình huống với từng đối tượng", My kể.

Hiện tại, My dự định trong vài năm tới, cô sẽ phát triển lên các vị trí cao hơn ở công ty hiện tại. Tuy nhiên, điều này cũng không thể nói trước bởi My có thể cân nhắc ở các cơ hội hấp dẫn hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên chọn làm thêm công việc văn phòng để kiếm tiền nhiều hơn