Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng gia hạn gần như tất cả các khoản vay nợ của người dân và mong muốn xóa bỏ hoàn toàn các khoản vay của sinh viên nhưng không được thông qua.
Những hành động trên thể hiện phần nào cam kết của ông Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020 khi muốn giải quyết khủng hoảng nợ sinh viên đã đeo bám nước Mỹ hàng thập kỷ qua.
Nợ nần chồng chất
Trên thực tế, Mỹ không phải nước duy nhất tồn tại nợ sinh viên nhưng là quốc gia đứng thứ nhất về tổng khoản nợ.
Ở Canada, nợ học phí cũng là vấn đề gây đau đầu không kém so với Mỹ. Dựa trên đánh giá thống kê của Chương trình Hỗ trợ Tài chính sinh viên Canada từ năm 2019 đến năm 2020, khoản nợ sinh viên có giá trị lên tới 22,3 tỷ USD, tăng 7% so với năm năm trước đó.
Tổng số sinh viên vay nợ là khoảng 1,8 triệu người, trong đó hơn 200 nghìn người không thể trả nợ đúng hạn.
Sinh viên Canada vay học phí phải hoàn trả bắt đầu từ 6 tháng sau khi tốt nghiệp hoặc khi chuyển từ học toàn thời gian sang bán thời gian. Sinh viên nghỉ học hoặc bỏ dở việc học vẫn phải hoàn trả các khoản vay đã đăng ký.
Từ tháng 4/2021, Thủ tướng Canada Justin Trudeau quyết định giảm lãi suất cho vay xuống 0% nhằm hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn dịch. Chính phủ cũng tiến hành xóa nợ cho cựu sinh viên nếu không hoàn trả đúng hạn trong vòng 15 năm.
Tại Thụy Điển, dù các trường đại học miễn học phí, sinh viên thường vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt. Trung bình khoản vay nợ của một sinh viên Thụy Điển là 21 nghìn USD.
Lãi suất cho vay nước này tương đối thấp, với tỷ lệ là 0,13 vào năm 2018. Tuy nhiên, người Thụy Điển có thể yêu cầu giảm các khoản thanh toán xuống thấp nhất là 5% thu nhập trong trường hợp gặp khó khăn tài chính. Mọi khoản nợ còn lại sẽ được xóa khi họ 68 tuổi.
Còn tại Anh, hầu hết các trường đại học tính học phí tối đa cho vay là 12.900 USD. Khoản nợ trung bình sau khi tốt nghiệp của mỗi sinh viên là hơn 60 nghìn USD. Ước tính, mỗi năm khoảng 1,5 triệu sinh viên vay nợ để trả học phí và chi phí sinh hoạt.
Sinh viên Anh phải thanh toán khoản vay kể từ khi kiếm được ít nhất 27 nghìn USD một năm. Nếu đạt mức này, mỗi năm, người Anh phải trích ít nhất 9% tiền lương để trả nợ.
Quy định này giúp người vay đủ khả năng trả nợ khi mới bắt đầu đi làm. Sau 30 năm nếu không trả hết, khoản nợ được xóa bỏ. Ước tính, 3/4 người vay nợ sinh viên tại Anh không thể trả hết nợ trong vòng 30 năm.
Tuy nhiên, từ năm học 2023 - 2024, Chính phủ Anh gia hạn thời gian trả khoản vay nợ từ 30 năm lên 40 năm. Quy định này hiện đang bị chỉ trích vì gây tác động đến phụ nữ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thay vì hỗ trợ họ.