Giáo dục

Sinh viên sau tốt nghiệp chọn 'bến đỗ' nào?

29/09/2024 09:43

Đứng trước những lựa chọn nghề nghiệp, các tân cử nhân, kỹ sư Gen Z thường phân vân giữa chọn làm việc ở một công ty lớn hoặc công ty nhỏ mà có võ.

Theo các chuyên gia, việc đưa ra quyết định thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Công ty lớn hay nhỏ?

Khi được đặt vấn đề nên chọn công ty lớn hay công ty nhỏ làm việc sau khi ra trường thì chị Phương Liên (28 tuổi, nhân viên truyền thông ở một ngân hàng trên địa bàn Quận 1, TPHCM) cho rằng nên chọn công ty lớn trước.

“Các doanh nghiệp lớn sẽ giúp cho các tân cử nhân, kỹ sư mới ra trường cơ hội đào tạo để có thêm kinh nghiệm, thích nghi cách vận hành chuyên nghiệp của một tổ chức lớn. Đây là cách đơn giản nhất giúp các bạn có thể làm đẹp CV, bởi tên tuổi của công ty lớn chắc chắn sẽ là một lợi thế khi người lao động muốn chuyển sang công việc khác sau này”, chị Liên nói.

Tuy nhiên, chị Liên cũng cho rằng, khi chọn công ty lớn thì sinh viên vừa tốt nghiệp chưa cần đặt nặng vấn đề tiền lương. “Sinh viên mới ra trường cũng chưa phải chi nhiều thứ, thế nên hãy khoan ưu tiên việc kiếm tiền mà quan trọng hơn cả là học kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, cách làm việc có tổ chức… Nền móng ban đầu đã có, khi cơ hội tốt hơn đến thì hồ sơ của các bạn sẽ sáng giá hơn trong mắt các nhà tuyển dụng”, chị Liên lý giải.

Trái ngược quan điểm trên, Minh Tâm (nhân viên tư vấn của một trung tâm du học tại quận Tân Bình) lại cho rằng, sinh viên mới ra trường nên chọn công ty có quy mô nhỏ hơn để được phát triển năng lực giải quyết công việc. Vì vào làm việc tại đây các bạn trẻ sẽ phải kiêm nhiều đầu việc, nhiệm vụ phải làm. Môi trường làm việc ở công ty nhỏ linh hoạt hơn, từ đó giúp các sinh viên gia tăng đáng kể kinh nghiệm, kỹ năng.

“Tôi đã làm 4 năm ở công ty nhỏ và thấy bản thân mình cải thiện được rất nhiều kỹ năng. Trước đó khi mới tốt nghiệp, tôi chọn làm ở một doanh nghiệp lớn nhưng mức lương cho newbie (người mới) khá thấp.

Lựa chọn này đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống hàng ngày, trong khi công việc căn bản, paperwork (liên quan hành chính, giấy tờ) nên nhiều khi mình hoài nghi giá trị bằng cấp của mình đã có được”, chị Tâm cho hay.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, sự lựa chọn công ty lớn hay nhỏ để về “đầu quân” của tân cử nhân, kỹ sư còn tùy theo năng lực, khả năng làm việc của mỗi người.

Về nguyên tắc, sinh viên mới ra trường thường hướng về một doanh nghiệp lớn, ổn định phúc lợi, có khả năng thăng tiến, đặc biệt là mức lương thỏa đáng… Tuy nhiên, sinh viên cần chú ý không phải doanh nghiệp lớn nào cũng đều đảm bảo tất cả các mong muốn của họ và tất cả các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp lớn lúc nào cũng ổn định.

“Ví dụ, như khi sinh viên mới ra trường tham gia vào lĩnh vực bán hàng, phát triển thị trường… thì thực tế đòi hỏi họ phải có đủ các năng lực làm việc do áp lực công việc rất lớn, dễ bị đào thải.

Ngược lại không phải ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì công việc sẽ không ổn định. Bởi lẽ, các vị trí ở các doanh nghiệp nhỏ thuộc về lĩnh vực chuyên viên thì đúng với tầm mức, khả năng và có thể kiêm nhiệm nhiều việc cũng là xu hướng để sinh viên trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, năng lực để phát triển ổn định”, ông Tuấn phân tích.

sinh vien sau tot nghiep (1).jpg
Ảnh: Quốc Hải

Kinh nghiệm và lời khuyên của chuyên gia

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết, xu hướng nhiều sinh viên hiện nay khi ra trường thường chọn tìm kiếm và làm việc ở các công ty lớn, có thu nhập cao, chính sách phúc lợi hấp dẫn là khá phổ biến.

Đây là nguyện vọng chính đáng, bởi bất kỳ ai cũng luôn có mong muốn phát triển bản thân ở một môi trường chuyên nghiệp, có tiềm năng thăng tiến và mở ra nhiều cơ hội trong tương lai.

Tuy nhiên, theo bà Dung, đối với các bạn vừa rời ghế giảng đường vẫn còn khá ít kinh nghiệm thực tế. Không nên quá tập trung vào các công ty lớn, kỳ vọng mức lương cao để rồi tiêu tốn nhiều thời gian và công sức vì cạnh tranh mà bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm cũng khá tốt tại các doanh nghiệp khác.

“Hãy xây dựng một cái nhìn thực tế và linh hoạt, đánh giá kỹ lưỡng năng lực, kinh nghiệm của bản thân và cân nhắc lựa chọn những vị trí công việc phù hợp. Chọn xuất phát điểm phù hợp, sinh viên mới ra trường có thể dần dần tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, nâng cao kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ để đến một thời điểm phù hợp khi bản thân đã đủ vững vàng thì có thể đặt mục tiêu cao hơn, nhắm tới lập nghiệp ở các công ty lớn, đa quốc gia, công ty nước ngoài...”, bà Dung nói.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM khuyên, sinh viên mới tốt nghiệp nên tham gia các công ty nhỏ.

Lý giải vì sao lại khuyến khích các bạn như thế, ông Sơn cho hay, ở công ty nhỏ, cơ hội học hỏi đa dạng hơn, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ thường phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau do quy mô nhỏ gọn. Điều này giúp họ nhanh chóng tích lũy được nhiều kỹ năng từ quản lý thời gian, giao tiếp, đến giải quyết vấn đề… mà ở các công ty lớn không có được.

Thêm vào đó, ông Sơn cho rằng, môi trường làm việc ở các công ty nhỏ linh hoạt, ít cạnh tranh hơn. “Công ty nhỏ không bị gò bó bởi các quy trình phức tạp, các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với cấp quản lý và được hỗ trợ nhiều hơn, đồng thời không gặp quá nhiều sự cạnh tranh từ đồng nghiệp. '

Từ đó, giúp tăng cơ hội thể hiện bản thân hơn, vì trong các công ty nhỏ, mọi đóng góp đều có giá trị rõ ràng và có thể dễ dàng được ghi nhận. Các bạn trẻ có thể nhanh chóng chứng minh năng lực của mình và tạo ấn tượng tốt với lãnh đạo và đồng nghiệp, từ đó xây dựng được hình ảnh cá nhân “đẹp” và uy tín trong công việc”, ông Sơn phân tích.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM bổ sung thêm, sinh viên mới ra trường nên chú trọng đến lựa chọn công việc phù hợp và thuận lợi nhất. Ví dụ như làm ở một doanh nghiệp nhỏ nhưng thuận lợi trong việc đi lại sẽ tốt hơn chọn doanh nghiệp lớn mà phải đi xa, sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí khác.

“Nói chung thì ‘thuyền to hay gặp sóng lớn’, các bạn nên cân nhắc kỹ. Bởi, mới ra trường thì kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rõ ràng chưa thể nhiều, mà quan trọng doanh nghiệp cần ở các bạn là thái độ làm việc, thái độ học tập để vươn lên. Thế nên môi trường ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đẹp nhất”, ông Tuấn nói thêm.

“Điều kiện quan trọng nhất với sinh viên mới ra trường là tích lũy kinh nghiệm và cọ xát với thực tế, từ đó nâng cao giá trị sức lao động - đây là yếu tố cốt lõi. Tất nhiên, cũng cần phải có mức thu nhập vừa phải để trang trải cuộc sống và phát triển”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-sau-tot-nghiep-chon-ben-do-nao-post702500.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-sau-tot-nghiep-chon-ben-do-nao-post702500.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên sau tốt nghiệp chọn 'bến đỗ' nào?