Giáo dục

Sinh viên "vắt chân lên cổ" mong tốt nghiệp đúng hạn

Hoàng Tiến 05/05/2025 11:11

"Vắt chân lên cổ" để mong tốt nghiệp đúng hạn khiến sinh viên mệt mỏi, chất lượng giảm sút. Sự thiếu chuẩn bị, kế hoạch học tập không nhất quán khiến áp lực gia tăng khi thời hạn tốt nghiệp gần đến.

Tâm lý chủ quan

Học đại học là một hành trình tích lũy kiến thức dài hơi, nhưng không ít sinh viên chỉ nhận ra điều này khi thời hạn tốt nghiệp cận kề. Việc dồn sức hoàn thành tín chỉ, thực tập, và luận văn trong thời gian ngắn không chỉ gây mệt mỏi mà còn để lại nhiều hối tiếc.

Tại sao nhiều sinh viên rơi vào tình trạng phải "vắt chân lên cổ" mong kịp ra trường đúng thời hạn?

N.V.Minh, sinh viên năm cuối ngành Kế toán công - Trường Đại học Thương mại, chia sẻ: "Năm thứ nhất và năm hai, em nghĩ 4 năm đại học là dài, nên thong thả.

Em dành nhiều thời gian cho sở thích riêng và làm thêm, đến năm thứ ba mới tá hỏa vì thiếu gần 30 tín chỉ, bây giờ dù đã đến kì cuối nhưng em vẫn đang phải vật lộn với tiếng Anh cùng với 15 tín chỉ và khóa luận để kịp thời gian tốt nghiệp".

screenshot-2025-05-05-091921.png
Thiếu kế hoạch học tập là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn (Ảnh minh họa: iStock).

Còn với L.T.A, sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng - Đại học Xây dựng, cho biết: "Gia đình khó khăn, nên em phải làm thêm để trang trải học phí. Việc cân bằng giữa học và làm khiến em dù cố gắng nhưng không thể đảm bảo hoàn thành tất cả các môn đúng tiến độ".

Bên cạnh đó, vấn đề không chỉ nằm ở sinh viên mà còn ở sự kết nối giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên chưa thực sự tốt. Nếu không có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời, sinh viên cũng dễ chểnh mảng, dẫn đến "nước đến chân mới nhảy" ở giai đoạn cuối.

Thầy Nguyễn Ngọc Nam, giảng viên tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đánh giá: "Theo tôi, việc nhấn mạnh vào định hướng nghề nghiệp và tư vấn kế hoạch học tập cần được tổ chức thường xuyên cho sinh viên. Làm sao để qua mỗi một thời gian, sinh viên đều hiểu được mình đang có gì và còn thiếu những gì để đạt được mục tiêu".

Hậu quả của việc thiếu chuẩn bị

Theo một khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP.HCM cho thấy, 65% sinh viên được khảo sát cảm thấy hối tiếc vì đã không có kế hoạch học tập dàn trải ngay từ đầu mà luôn bị trì hoãn bởi các yếu tố ngoài lề. Điều này khiến họ bị buộc phải đi chậm hơn những người đã có sự chuẩn bị kĩ càng và phân bố thời gian hợp lý cho việc học.

Việc "chạy nước rút" để tốt nghiệp để lại nhiều hệ quả, không chỉ với sinh viên mà còn với chất lượng giáo dục. Trước hết, chất lượng học tập bị ảnh hưởng rõ rệt.

screenshot-2025-05-05-091932.png
Học gấp rút trong thời gian ngắn có thể gây ra rất nhiều hệ lụy cho sinh viên (Ảnh minh họa: AI).

N.V.Minh, sinh viên được nhắc đến ở trên, thừa nhận: "Để hoàn thành các tín chỉ tiếng Anh trong 6 tháng, em chỉ tập trung vào việc "thi đủ điểm". Sau khi tốt nghiệp, nếu bảo sử dụng vào công việc, em thực sự không đủ tự tin".

Thạc sỹ Lại Vũ Kiều Trang, giảng viên môn tâm lý học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: "Sinh viên trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp, nhất là những sinh viên còn thiếu nhiều điều kiện thường trải qua căng thẳng kéo dài, dẫn đến lo âu, mất ngủ, thậm chí là trầm cảm.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm khả năng sáng tạo và tư duy logic".

Sinh viên cần chuẩn bị từ sớm và được hỗ trợ từ nhiều phía

Làm thế nào để tránh rơi vào vòng xoáy "nước đến chân mới nhảy"? Câu trả lời nằm ở sự chuẩn bị từ sớm và sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trước hết, sinh viên cần thay đổi tư duy về quản lý thời gian.

N.V.Minh, sau những tháng ngày áp lực, khuyên rằng: "Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên nên tìm hiểu kỹ chương trình học và lập kế hoạch từng kỳ, đừng chờ đến khi thiếu tín chỉ mới chịu thực hiện. Các công cụ như ứng dụng quản lý thời gian hay bảng kế hoạch cá nhân cũng có thể giúp sinh viên theo dõi tiến độ học tập".

Giảng viên Lại Vũ Kiều Trang nhấn mạnh: "Sinh viên cần học cách quản lý thời gian, các em cần phân bổ hợp lý giữa những vấn đề cá nhân và học tập.

Thêm vào đó, việc bỏ đi những thói quen xấu gây trì hoãn mà tập trung vào những hoạt động ngoại khóa, tập thể dục, trò chuyện với bạn bè sẽ giúp các em dần trưởng thành trong nhận thức và sống có kỷ luật".

screenshot-2025-05-05-091949.png
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kỷ luật trong học tập sẽ giúp sinh viên vững bước thực hiện mục tiêu (Ảnh: iStock).

Để có một quá trình học tập hiệu quả, sinh viên cần được đảm bảo về sức khỏe tinh thần, có những trải nghiệm bổ ích trong cuộc sống. Từ đó, giúp họ loại bỏ những yếu tố gây trì hoãn hoặc ít nhất là giải quyết được vấn đề và cân bằng cuộc sống.

Cuối cùng, sự kết nối giữa sinh viên, giảng viên, và nhà trường là yếu tố then chốt. Cần nhiều hơn những chương trình tư vấn, định hướng cho sinh viên tìm ra mục đích mình cần hướng đến, chuẩn bị một tâm lý vững vàng để bước vào thị trường lao động.

Những quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của giáo viên và gia đình đối với sinh viên sẽ giúp họ ngăn chặn yếu tố trì hoãn, làm gián đoạn quá trình học tập. Điều này cho thấy rằng một hệ thống hỗ trợ toàn diện, từ định hướng học tập đến chăm sóc tâm lý, sẽ giúp sinh viên vượt qua áp lực và tốt nghiệp một cách hiệu quả.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-vat-chan-len-co-mong-tot-nghiep-dung-han-20250502191953952.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-vat-chan-len-co-mong-tot-nghiep-dung-han-20250502191953952.htm
Bài liên quan
Giảm học phí cho sinh viên các nghề học nặng nhọc, độc hại
Ông Nguyễn Việt Hoàng muốn theo học ngành nghề trong danh sách ngành nghề học nặng nhọc, độc hại. Ông Hoàng hỏi, có phải chỉ những người có hộ khẩu tại nơi cơ sở giáo dục đang hoạt động mới được xem xét để cấp bù học phí không?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên "vắt chân lên cổ" mong tốt nghiệp đúng hạn