Sau nhiều nỗ lực, tháng 5/2023, nam sinh tốt nghiệp ra trường với ước mơ lương cao như lời đồn, đủ tiền sống và gửi về cho bố mẹ ở quê.
Nam may mắn trúng tuyển vào một công ty lập trình web tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng ngay tháng lương đầu tiên, mọi hy vọng, ấp ủ của cậu sụp đổ khi tài khoản ngân hàng thông báo cộng 4.755.000 đồng.
Cậu tự an ủi bản thân đây chỉ là mức lương thử việc, "dần dần sẽ tăng lên". Cậu chăm chỉ tăng ca, làm ngày đêm, tranh thủ lúc nghỉ trau dồi thêm kinh nghiệm, bài học từ các đồng nghiệp đi trước. Đến nay đã là tháng thứ 5 kể từ khi cậu vào công ty, mức lương không quá 6 triệu đồng.
Lương này chỉ đủ đóng tiền nhà trọ, sinh hoạt qua ngày, "tháng nào cũng phải vay bạn bè mỗi người vài trăm để duy trì".
Nam thanh niên thừa nhận không có thế mạnh về máy tính, ít kiến thức, kinh nghiệm thực tế khiến bản thân ngày càng mệt mỏi, hoài nghi về sự lựa chọn này.
Vỡ mộng về mức lương cao, Hoài Nam hiểu ra rằng: "Trước khi muốn học ngành nghề này, các bạn sinh viên nên cân nhắc kỹ, xác định bản thân có khả năng học và làm được không rồi hãy đưa ra quyết định. Không nên chạy theo những thông tin quảng cáo, 'bẫy tuyển sinh' của những ngành hot".
Sinh viên học IT, trước tiên cần xuất phát từ đam mê
Thầy Nguyễn Anh Dũng, chủ nhiệm bộ môn ngành Ứng dụng phần mềm, Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội nhận định, để có mức lương cao trong ngành IT phụ thuộc nhiều vào năng lực, thái độ làm việc và kỹ năng của sinh viên.
"Không phải cứ học giỏi ngành IT thì ra trường mức lương sẽ cao, mà cần nhiều yếu tố cộng hưởng", thầy Dũng khẳng định và lo ngại việc nhiều em đổ xô đi học IT, coi đó là lối đi dễ nhất đến thành công. Trước khi học, các em cần xác định rõ bản thân có thích và yêu ngành nghề này hay không mới đưa ra lựa chọn.
Ông cũng cảnh báo một số sinh viên học IT đang đặt kỳ vọng quá cao vào mức lương khi tốt nghiệp, rồi sau đó khi ra trường bị thất vọng, nảy sinh tâm lý chán trường, từ bỏ nghề.
Học IT trước tiên cần xuất phát từ đam mê. (Ảnh minh họa)
Theo thầy Dũng, ngành IT đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic cao. Nhiều sinh viên bất chấp đi học mà không có thiên phú, không có tư duy các môn khoa học tự nhiên khi vào học chuyên ngành sẽ rất lúng túng, lộ rõ điểm yếu tư duy. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng hoặc thấy bất lực khi đi làm ở môi trường chuyên nghiệp.
Dành lời khuyên tới các bạn sinh viên đã, đang chuẩn bị học học ngành IT, thầy Dũng nói trước khi học hay làm bất cứ điều gì phải thích hoặc có đam mê thật sự. Hãy xác định rõ điều gì bạn muốn đạt được trong ngành IT, mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn tập trung vào học những kỹ năng cần thiết.
Sinh viên nên hiểu rõ các kiến thức cơ bản của ngành, xây dựng nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển sau này. Thực hành nhiều hơn sẽ giúp bạn học nhanh hiểu và tích luỹ kinh nghiêm thực tế. Ngoài ra, hãy cố gắng nâng cao kỹ năng tiếng Anh, luôn cập nhật kiến thức và theo kịp xu hướng mới để không bị lạc hậu.