Khoảng nửa năm trước, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc COVID-19 trong cộng đồng ở mức rất thấp, nhưng hiện nay, TPHCM đang là tâm dịch nên số thai phụ mắc tăng mạnh. “Bệnh viện Hùng Vương đang theo dõi điều trị cho 142 thai phụ mắc COVID-19. Gần như ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận, hỗ trợ thai phụ mắc COVID-19 ở những tình trạng nặng nhẹ khác nhau”, bà Tuyết nói.
Thực tế tại các bệnh viện điều trị COVID-19 thời gian qua cho thấy, nhiều phụ nữ mang thai đã phải nhập viện điều trị trong tình trạng rất nặng. Đến nay, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã phải cấp cứu, hỏa tốc đặt ECMO cho 3 thai phụ, phối hợp điều trị, mổ bắt con cho một số trường hợp, trong đó có ca mang song thai.
Bà Tuyết nói: “Đến nay, các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới đều cho phép chích ngừa vắc-xin COVID-19 nhóm phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra vắc-xin COVID-19 góp phần bảo vệ thai nhi, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh trưởng trong thai kỳ.
Những tác dụng không mong muốn của vắc-xin COVID-19 (nếu có) ở nhóm phụ nữ mang thai cũng giống như tất cả cả đối tượng khác, hoàn toàn không có sự khác biệt.
Hiện nay, TPHCM đang là tâm dịch COVID-19 nên việc chích ngừa để bảo vệ nhóm phụ nữ mang thai và việc rất rất rất quan trọng và cần thiết phải hành động ngay”. BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cũng cho rằng, vắc-xin sẽ góp phần quan trọng bảo vệ cả thai phụ và thai nhi khỏi COVID-19, tránh nguy cơ trẻ sinh non, suy dinh dưỡng thai kỳ hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong khi chẳng may người mẹ mắc bệnh.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sáng 9/8, thành phố được Bộ Y tế cung ứng thêm 591.900 liều AstraZeneca để tiếp tục đợt chủng ngừa thứ 6 nhằm sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đến nay, TPHCM đã có tiêm hơn 3,3 triệu liều vắc-xin. Hiện nay, nhóm phụ nữ mang thai thuộc diện trì hoãn với vắc- xin COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế nên chưa được tổ chức chích ngừa.