Ảnh minh họa/ INT |
Số hoá sổ sách
Các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn Vĩnh Long đang thực hiện quản lý, sử dụng các sổ điện tử theo dõi và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo lộ trình đã triển khai từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử theo dõi và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện học sinh của nhà trường thay thế cho các loại sổ giấy tương ứng theo Điều lệ trường do Bộ GD&ĐT quy định.
Với giáo viên, các công việc như cập nhật danh sách, sơ yếu lý lịch học sinh; theo dõi hoạt động giáo dục, rèn luyện và nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh… được thực hiện trực tiếp trên hệ thống phần mềm quản lý trường học. Riêng học bạ điện tử, sở GD&ĐT cũng có lộ trình cụ thể, để đến năm học 2025 - 2026 thực hiện đối với tất cả khối lớp ở cơ sở giáo dục phổ thông.
“Nhà trường có thể sử dụng sổ điện tử thay cho sổ giấy, không được đồng thời sử dụng cả hai. Nếu chưa đủ điều kiện thực hiện sổ điện tử theo dõi và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện học sinh, cơ sở giáo dục vẫn có thể tiếp tục thực hiện hình thức sổ giấy.
Ngoài sổ theo dõi và đánh giá học sinh điện tử, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử, nhà trường có thể tự xây dựng quy trình, quy định theo thẩm quyền để sử dụng các loại sổ điện tử khác thay cho sổ giấy có trên hệ thống phần mềm quản lý trường học và theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT” - ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết.
Từ kết quả khả quan đạt được trong năm học trước, giáo dục Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh chuyển hồ sơ, sổ sách từ văn bản giấy sang văn bản điện tử trong năm học 2022 - 2023. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, tại Thừa Thiên - Huế, những hồ sơ, sổ sách như: Sổ gọi tên ghi điểm, sổ đăng bộ, lịch báo giảng, sổ đăng ký sử dụng thiết bị, sổ liên lạc điện tử… đều là hồ sơ điện tử, được quản lý trên môi trường mạng, cụ thể là trên hệ thống Cổng thông tin GD-ĐT.
Riêng học bạ, địa phương vẫn thực hiện song hành cả học bạ điện tử và học bạ giấy để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, do chưa có quy định chung về học bạ điện tử trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế đang triển khai mạnh mẽ ứng dụng Hue-S, tích hợp nhiều tính năng trong lĩnh vực GD-ĐT. Một trong những tính năng nổi bật của Hue-S là tạo kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh; từ đó tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục trẻ.
“Việc số hóa hồ sơ, sổ sách không chỉ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, mà còn tiết kiệm kinh phí, giảm bớt công sức lao động cho thầy cô và giảm thủ tục không cần thiết, giúp đội ngũ tập trung làm tốt công việc chuyên môn. Tuy nhiên, cùng việc triển khai hồ sơ, sổ sách điện tử, ngành Giáo dục cũng đặc biệt chú trọng công cụ quản lý để bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan” - ông Nguyễn Tân nhấn mạnh.