Số hóa không dùng tiền mặt: Minh bạch thu chi trong trường học

04/10/2023, 07:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến nay, nhiều trường học trên cả nước đã “số hóa” thanh toán học phí...

Nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không tiền mặt. Đến nay, nhiều trường học trên cả nước đã “số hóa” thanh toán học phí đem lại nhiều tiện ích cho nhà trường và phụ huynh học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Tiến tới không dùng tiền mặt

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học. Các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra, tránh tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức.

thu-truong-hoang-minh-son.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Tiến tới, mọi khoản thu sẽ không dùng tiền mặt. Sau này cần có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc về việc này. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp về hoạt động tài chính của các trường, chỉ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí.

Việc cơ sở giáo dục đại học thu các khoản dịch vụ khác phải được công bố công khai, minh bạch với người học. Các khoản thu này phải đúng với quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT quy định rất rõ về công khai minh bạch, nhất là trong tuyển sinh, công khai các khoản thu cho năm học thứ nhất và cả khóa học, trường nào không thực hiện đúng cam kết sẽ xử lý theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các trường trực thuộc.

Bộ GD&ĐT mong muốn các cơ quan báo chí có thông tin kịp thời, nếu phát hiện trường nào có khoản thu trái pháp luật hoặc không công khai minh bạch thì phản ánh để các cơ quan quản lý chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Không lạm dụng xã hội hóa

Chuyện lạm thu trong trường học đã không còn mới, nhưng làm cách nào để hạn chế và loại bỏ tình trạng này vẫn là chủ đề nóng dịp đầu năm học. Đơn cử vụ việc tại Trường Tiểu học Văn Luông (huyện Tân Sơn) - nhà trường đã sử dụng các khoản vận động tài trợ trên để mua trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ các hoạt động giáo dục.

thanh-thuy(1).jpg
Ông Nguyễn Minh Tường.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng các khoản vận động tài trợ để mua sắm một số bàn ghế cho học sinh còn chậm chưa đúng kế hoạch. Ngoài ra, một số các khoản chi hỗ trợ các hoạt động giáo dục như: Hội thi, giao lưu, mua sách và tài liệu bổ sung cho thư viện chưa cung cấp đầy đủ chứng từ kế toán.

Để tránh lạm thu, thu sai thì trước tiên cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch cụ thể về thu chi dựa theo hướng dẫn và cho phép của Bộ GD&ĐT, tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT và phù hợp với từng địa phương. Hàng năm, Sở GD&ĐT Phú Thọ đều có văn bản hướng dẫn rất cụ thể về các khoản thu, nhà trường phải thực hiện nghiêm túc.

Không thực hiện việc cào bằng, quy định mức tài trợ bình quân vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện như nhau. Vì điều này trái với nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng xã hội hóa, tài trợ.

Xã hội hóa là chủ trương tốt nhưng trường học cần phải thực hiện sao cho đúng để không gây thêm áp lực cho phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Phụ huynh không tiếc chi tiền vào các khoản cụ thể phục vụ cho GD-ĐT, đặc biệt khi thấy hiệu quả của việc đầu tư. Vì vậy, việc xã hội hóa trong giáo dục phải đi kèm với nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm thì “số hóa” trường học đang là xu thế đem lại thuận lợi cho các nhà trường và phụ huynh. Thu học phí không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong nhiều trường học ở Phú Thọ. Đây là một trong các giải pháp được nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ, nhằm giúp tăng tính minh bạch, giảm công sức và lạm thu. Bởi nếu như trước đây phụ huynh phải đến tận trường để trực tiếp đóng tiền thì nay đã có thể chuyển khoản. Nhà trường cũng giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nguồn nhân lực.

Để thực hiện tốt không thu tiền mặt, cơ sở giáo dục cần tạo thuận lợi, không gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh học sinh, cần tránh độc quyền chỉ một app hay một ngân hàng duy nhất để thanh toán. Nhà trường đưa ra nhiều sự lựa chọn để phụ huynh chọn phương án phù hợp nhất với gia đình. Đặc biệt, cơ sở giáo dục cần hướng dẫn chi tiết cho phụ huynh và vẫn triển khai thêm giải pháp mở là bộ phận tài vụ thu tiền trực tiếp để phụ huynh từ từ làm quen.

Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang: Thủ trưởng chịu trách nhiệm

ta-viet-hung-1.jpg
Ông Tạ Việt Hùng.

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện Nghị quyết số 40/2023 (ngày 14/7/2023) của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức thu học phí và mức thu, cơ chế quản lý sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2023 - 2024 và các năm học tiếp theo tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.

Sau thông tin phản ánh lạm thu và bữa ăn bán trú đạm bạc tại Trường Tiểu học thị trấn An Châu (huyện Sơn Động), ngày 19/9/2023, Sở có văn bản gửi UBND và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh việc triển khai các khoản thu từ học sinh năm học 2023 - 2024.

Trong đó, nêu rõ: Thủ trưởng cơ sở giáo dục yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông tin đầy đủ, chi tiết những nội dung, dự toán các khoản thu dịch vụ phục vụ, các khoản hỗ trợ hoạt động giáo dục và mua hộ người học các khoản thu tới phụ huynh học sinh để lấy ý kiến của phụ huynh học sinh. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về tình trạng thu dồn, lạm thu, thu các khoản sai quy định.

Đặc biệt, tránh tình trạng giáo viên chủ nhiệm giao cho Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) phổ biến. Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở kịp thời Ban đại diện CMHS của lớp, trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 55/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện CMHS.

Cơ sở giáo dục chỉ triển khai các khoản thu khi được cơ quan quản lý giáo dục thẩm định phê duyệt (Sở GD&ĐT thẩm định phê duyệt đối với các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT thẩm định phê duyệt đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS).

Ngoài những khoản thu được duyệt, các cơ sở giáo dục không được tự ý đặt ra khoản thu khác. Thực hiện công khai các khoản thu từ học sinh theo quy định hiện hành. Quản lý, hạch toán các khoản thu chi trong hệ thống sổ sách kế toán theo quy định. Thực hiện giãn thu theo tháng, theo kỳ, không tập trung vào đầu năm học gây bức xúc trong nhân dân.

Cô Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội): Phải thuận lợi cho phụ huynh

Cô Nguyễn Mỹ Hảo. ảnh 4
Cô Nguyễn Mỹ Hảo.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường THCS Mai Dịch đã triển khai thu học phí và các khoản thu khác qua ViettelPay và tài khoản thu tiền của nhà trường tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nhưng vẫn còn một số ít phụ huynh không dùng tài khoản nên vẫn nộp tiền mặt.

Bộ phận kế toán, thủ quỹ của trường vẫn trực thu tiền cho những trường hợp phụ huynh học sinh nộp trực tiếp vào cuối giờ hành chính, tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh.

Việc thu phí không dùng tiền mặt diễn ra nhanh, chính xác và không mất nhiều thời gian, công sức cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong việc bảo quản tiền tại đơn vị, tránh nhầm lẫn và không bị tiền giả. Với trường hợp nhầm lẫn, hệ thống ngân hàng báo lỗi khi thực hiện thanh toán thì cần có sự phối hợp kịp thời giữa ngân hàng - nhà trường và phụ huynh.

Để minh bạch và không thu sai quy định, Trường THCS Mai Dịch bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý, thu chi năm học của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy. Đồng thời, triển khai phổ biến văn bản chỉ đạo trong toàn thể Hội đồng sư phạm nhà trường và thông báo công khai tới toàn thể phụ huynh học sinh trong cuộc họp.

Trường THCS Mai Dịch triển khai thu theo tháng để không gây áp lực cho phụ huynh học sinh đầu năm học. Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc chế độ miễn giảm học phí, chế độ công khai trong giáo dục.

Với khoản thu chi thường gây bức xúc trong phụ huynh học sinh (kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS các lớp, xã hội hóa), nhà trường quán triệt tới trưởng ban đại diện CMHS các lớp thực hiện nghiêm túc Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT.

Trường THCS Mai Dịch có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hiện tại, các lớp được sử dụng lại một số trang thiết bị của phụ huynh học sinh các khối lớp trên đã xã hội hóa để lại cho khóa sau sử dụng, nhà trường không tiến hành xã hội hóa về trang thiết bị dạy học.

Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân (TP Việt Trì, Phú Thọ): Hạn chế tiêu cực

Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh. ảnh 5
Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh.

Những năm qua, Trường Tiểu học Tân Dân là điểm sáng về chất lượng của ngành GD-ĐT TP Việt Trì. Học sinh năng động, học tập tích cực theo Chương trình GDPT 2018. Tới đây, Trường Tiểu học Tân Dân đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường.

Phụ huynh của nhà trường đã quen với nhiều khoản thu không tiền mặt. Việc thu chi qua ngân hàng có nhiều thuận lợi như an toàn cho người chi và nhận, giảm nhiều thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, rất thuận lợi cho phụ huynh bởi hạn chế rủi ro mất mát, có thể giám sát việc đóng học phí và các khoản tiền khác của con em mình.

Hoạt động thu chi của Trường Tiểu học Tân Dân đều thực hiện qua ngân hàng, rất chính xác, hạn chế các vấn đề tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro về tài chính. Khi sử dụng tiền mặt, người thu vì lý do nào đó có thể biển thủ hoặc làm mất mát. Thực hiện qua ngân hàng, dù có ý muốn tiêu cực cũng khó và đều có lưu dấu vết nên dễ dàng kiểm soát.

Cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội): Dễ quản lý

Cô Nguyễn Thanh Hà. ảnh 6
Cô Nguyễn Thanh Hà.

Trường THCS Phan Chu Trinh đang phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Ba Đình để triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tới 100% học sinh.

Hàng tháng, Trường THCS Phan Chu Trinh thông báo các khoản thu tới từng CMHS và hướng dẫn CMHS cách thanh toán qua ứng dụng điện thoại của ngân hàng hoặc chuyển khoản vào số tài khoản của nhà trường. Nhà trường đã phân công bộ phận tài vụ phối hợp với ngân hàng để rà soát, kiểm tra danh sách học sinh hàng ngày và xử lý các giao dịch. Đồng thời, bộ phận tài vụ cũng là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ CMHS thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt của nhà trường.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán; không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý trên hệ thống, có thể thanh toán được mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt phụ huynh học sinh không phải đi lại, xếp hàng chờ đợi mỗi khi đóng tiền học, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh học sinh.

Tránh lạm thu, Trường THCS Phan Chu Trinh luôn thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định về các khoản thu chi, thông báo công khai tới 100% cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh đầu năm học. Đồng thời, quán triệt tới từng giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện CMHS các lớp không thu bất kỳ khoản thu nào ngoài quy định và thu các khoản thu bằng phương thức không dùng tiền mặt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số hóa không dùng tiền mặt: Minh bạch thu chi trong trường học