Trong nhiệm kì mới của Tổng thống Donald Trump, người Mỹ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể.
Đó thể là “đòn bẩy” giúp hệ thống giáo dục thay đổi nhưng cũng là trở ngại với học sinh, sinh viên và giáo viên.
Bộ Giáo dục Liên bang Hoa Kỳ (DOE) được thành lập vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter với mục tiêu chính là điều phối và hỗ trợ giáo dục trên toàn quốc.
Chức năng chính của DOE gồm: Thứ nhất, quản lý ngân sách giáo dục liên bang. Theo đó, DOE phân bổ hàng tỷ USD tài trợ cho trường học, chương trình hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu giáo dục. Thứ hai, giám sát thực thi chính sách giáo dục.
Cơ quan này đảm bảo các tiêu chuẩn giáo dục được duy trì và thực thi trên cả nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục đặc biệt, bình đẳng trong giáo dục và đào tạo nghề.
Thứ ba, cung cấp khoản vay và trợ cấp cho sinh viên. DOE quản lý các chương trình hỗ trợ tài chính như Pell Grants và các khoản vay sinh viên nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học.
Thứ tư, thu thập dữ liệu và nghiên cứu. Bộ thực hiện các nghiên cứu về hiệu quả giáo dục, từ đó đề xuất chính sách phù hợp để cải thiện hệ thống giáo dục. Cuối cùng là hỗ trợ các trường học nâng cao chất lượng giáo dục. DOE đưa ra các hướng dẫn và tiêu chuẩn giảng dạy nhằm đảm bảo sự nhất quán trong giáo dục trên toàn quốc.
Nhìn chung, cho đến thời điểm hiện tại, DOE đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, kết nối và đảm bảo chất lượng giáo dục trong nước. Tuy nhiên, từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất giải thể DOE.
Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng quyết định trên nhằm tăng cường quyền tự chủ của các bang. Một số ý kiến cho rằng, việc giao quyền kiểm soát giáo dục về cho các bang sẽ giúp họ phát triển chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, thay vì tuân theo các quy định chung của liên bang.
Ngoài ra, bộ máy nhà nước có thể cắt giảm ngân sách và gánh nặng tài chính. Việc duy trì một cơ quan liên bang lớn như DOE tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, việc trao quyền cho các bang và khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong giáo dục, giúp cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, những người phản đối lập luận rằng việc giải thể DOE có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong giáo dục, khi các bang nghèo không đủ nguồn lực để cung cấp giáo dục chất lượng cho học sinh của họ. Nếu Bộ Giáo dục Liên bang bị giải thể, hệ thống giáo dục Mỹ sẽ chịu nhiều tác động sâu rộng, đặc biệt đối với học sinh, giáo viên và người lao động trong ngành.
Học sinh sẽ mất đi các khoản hỗ trợ tài chính, nhất là học sinh khó khăn, từ đó, gia tăng khoảng cách giáo dục giữa các bang và thiếu bình đẳng giáo dục. Đối với giáo viên, chính sách làm giảm cơ hội đào tạo và phát triển vì hiện nay, DOE cung cấp nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên. Ước tính, hàng nghìn việc làm bị mất khi bộ giải thể.
Dù quyết định cuối cùng ra sao, việc cải cách giáo dục vẫn là một vấn đề quan trọng cần được xem xét một cách toàn diện và cẩn trọng để đảm bảo quyền lợi và cơ hội học tập tốt nhất cho mọi học sinh.
Trong nhiệm kì của Tổng thống Donald Trump, việc mở rộng quyền lựa chọn trường học là trọng tâm trong chính sách giáo dục cởi mở. Theo sắc lệnh hồi tháng 1/2025, phụ huynh, học sinh Mỹ có quyền quyết định môi trường giáo dục phù hợp như trường công lập, tư thục, trường dòng, giáo dục tại nhà.
Dù theo học loại hình nào, học sinh vẫn sẽ nhận tài trợ công nếu đủ điều kiện xét tuyển. Theo AP, mục tiêu của chính sách này là tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh. DOE được yêu cầu ưu tiên triển khai chương trình trên từ tháng 2/2025 và hướng dẫn các bang về việc sử dụng quỹ liên bang cho học sinh.
Trái với chính sách giải thể DOE, việc mở rộng quyền lựa chọn trường học nhận được sự ủng hộ từ đông đảo học sinh, phụ huynh và xã hội Mỹ. Các ý kiến thống nhất rằng chính sách này cung cấp cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường và cải thiện chất lượng giáo dục. Việc trao quyền cho phụ huynh lựa chọn trường học sẽ tạo động lực cho các trường nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia lo ngại việc chuyển quỹ công sang các mô hình giáo dục ngoài công lập sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng của hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt ở khu vực thấp.
Hiện nay, học sinh công lập ở những khu vực khó khăn của Mỹ được miễn học phí nhưng với nguồn phân bổ chính sách công hợp lý, những trường này liên tục được quan tâm, đầu tư và cải thiện chất lượng. Khi nguồn phân bổ được xem xét lại, đây sẽ là nhóm và khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng.
Trong khi đó, học sinh có điều kiện tốt hơn có thể chuyển sang trường tư thục, trường dòng - đây là những mô hình giáo dục sở hữu cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy vượt trội với vốn đầu tư tư nhân.
Về lâu dài, cơ hội giáo dục cho học sinh nghèo bị hạn chế và khoét sâu những vấn đề bất bình đẳng giáo dục. Về mặt tích cực, các trường công lập sẽ phải chuyển mình để đối phó với áp lực cạnh tranh lớn từ các trường tư thục, trường dòng hoặc mô hình giáo dục tại nhà. Điều này đặt ra yêu cầu phải cải thiện chất lượng giảng dạy và dịch vụ.
Về phương diện giáo dục quốc tế, các chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng gây ảnh hưởng đáng kể. Những biện pháp này không chỉ tác động đến việc tuyển sinh, mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên quốc tế.
Trong nhiệm kì thứ hai, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ tiến hành “đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử” nước Mỹ. Quy mô nằm ở phạm vi xử lý và phạm vi ảnh hưởng rộng. Chính quyền sẽ thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát nhập cư như tăng cường thẩm định thị thực (visa), kiểm tra lí lịch nghiêm ngặt với người nộp đơn xin cấp thị thực hoặc chuyển đối các dạng thị thực.
Trong tương lai ngắn, chính quyền Tổng thống Trump sẽ giới hạn thời gian lưu trú đối với sinh viên quốc tế. Nếu kéo dài thời gian học tập, họ sẽ phải nộp đơn xin gia hạn hoặc nếu muốn chuyển từ thị thực học tập sang thị thực việc làm. Thời gian gia hạn sẽ lâu hơn, yêu cầu xét duyệt cũng nghiêm ngặt hơn là những điều khiến sinh viên quốc tế lo ngại.
Mối lo ngại về cơ hội học tập tại Mỹ khi ông Trump siết nhập cư đã xuất hiện trong cộng đồng sinh viên quốc tế từ khi tân Tổng thống chưa nhậm chức. Hồi tháng 1/2025, các trường đại học lớn như Đại học Cornell và Đại học Nam California, đã ra thông báo kêu gọi sinh viên quốc tế trở lại trước khi học kì mùa Xuân bắt đầu.
Cụ thể, Đại học Cornell cảnh báo sau lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào 20/1, Mỹ có thể áp dụng lệnh cấm đi lại, ảnh hưởng đến việc nhập cảnh của công dân một số quốc gia như Iran, Sudan, Syria, thậm chí cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tương tự, Đại học Nam California yêu cầu sinh viên quay lại trước ngày 13/1 để giảm thiểu rủi ro nhập cảnh.
Đại học New York và các tổ chức giáo dục khác thông báo sẽ theo dõi sát sao mọi thay đổi về chính sách nhập cư. Các trường cam kết bảo vệ quyền lợi và khả năng di chuyển tự do của sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, cộng đồng sinh viên quốc tế bày tỏ lo ngại trước một tương lai thiếu chắc chắn sau ngày ông Trump nhậm chức. Pramath Pratap Misra - du học sinh người Ấn Độ, chia sẻ: “Đây là thời điểm đáng sợ đối với sinh viên quốc tế và đặc biệt nếu chúng tôi đến từ Ấn Độ”.
Kể cả những sinh viên không đến từ quốc gia “trong tầm ngắm của Mỹ”, họ cũng bất an khi chứng kiến các chính sách hạn chế nhập cư ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Những chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ khiến nhiều sinh viên quốc tế xem xét lại quyết định du học.
Một số người chuyển hướng sang quốc gia khác như Canada, Australia hoặc các nước châu Âu, nơi có chính sách nhập cư thân thiện hơn. Điều này dẫn đến sự suy giảm trong số lượng sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học Mỹ, ảnh hưởng đến tài chính và đa dạng văn hóa trong các cơ sở giáo dục.
Việc giải thể Bộ Giáo dục Liên bang Hoa Kỳ là một đề xuất gây nhiều tranh cãi, với những ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống giáo dục. Trong khi những người ủng hộ cho rằng điều này sẽ tăng cường quyền tự chủ của các bang và giảm bớt gánh nặng tài chính, những người phản đối lo ngại rằng nó có thể làm gia tăng bất bình đẳng và gây bất ổn cho hàng triệu học sinh, giáo viên và người lao động trong ngành giáo dục.