Soóng cọ - điệu hát độc đáo của người Sán Chỉ

11/02/2024, 07:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Soóng cọ là loại hình dân ca được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ.

Điệu hát lớn lên, trưởng thành, gắn bó với người Sán Chỉ trong mọi hoạt động đời sống xã hội, là tiếng lòng không thể tách rời. Hát soóng cọ đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, là niềm tự hào, là sợi dây để gắn kết cộng đồng của người Sán Chỉ.

Các chàng trai, cô gái quây quần hát soóng cọ bên bếp lửa hồng. Ảnh: T.H
Các chàng trai, cô gái quây quần hát soóng cọ bên bếp lửa hồng. Ảnh: T.H
Anh Trạc A Thìn (thứ 2 từ phải sang) và chị Lục Thị Cọm (thứ 2 từ trái sang) trong hội hát soóng cọ. Ảnh: T.H
Anh Trạc A Thìn (thứ 2 từ phải sang) và chị Lục Thị Cọm (thứ 2 từ trái sang) trong hội hát soóng cọ. Ảnh: T.H

Nỗ lực bảo tồn

Chị Lục Thị Cọm (41 tuổi), là người hát soóng cọ ăn ý nhất với anh Trạc A Thìn tại xã Húc Động cho biết, ngày nay từ thế hệ 9X trở ra dần ít biết hát soóng cọ. Với sự phát triển của mạng xã hội cùng nhịp sống hiện đại khiến hát soóng cọ cũng ít nhiều mai một, nhất là với thế hệ học sinh ngày nay.

Từ năm 2021 đến nay, chị Lục Thị Cọm và anh Trạc A Thìn được mời đến dạy hát soóng cọ cho học sinh tiểu học, THCS trên đại bàn xã Húc Động. Mỗi năm xã tổ chức được một lớp khoảng 40 học sinh tham gia và học vào buổi tối trong khoảng 3 tháng.

“Các trường chọn những học sinh có năng khiếu và thích hát soóng cọ để mở lớp. Dạy hát soóng cọ cho học sinh khó nhất là dạy thuộc lời. Thầy phải viết lời bài hát lên bảng, mặc dù viết bằng chữ Sán Chỉ nhưng một số chữ trong câu hát không có chữ cái, phải đánh dấu tạm. Do vậy, nhiều khi học sinh phát âm không chuẩn”, anh Thìn nói.

Anh Thìn thường đến tận nhà các cụ cao tuổi hát soóng cọ lâu năm, ghi chép lại các bài hát từ xa xưa vào sổ, lấy tài liệu để dạy cho lớp học. Ngoài dạy hát soóng cọ cho học sinh, chị Cọm và anh Thìn còn truyền nghề cho bất cứ ai yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian này.

Cùng với các thành viên trong câu lạc bộ hát soóng cọ, chị Cọm và anh Thìn thường xuyên tham gia hát trong các ngày hội của xã, huyện và giao lưu hát với khách du lịch.

Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc lâu đời của người Sán Chỉ, từ năm 2005, huyện Bình Liêu đã khôi phục và tổ chức thành công ngày hội hát soóng cọ, trở thành 1 trong 3 lễ hội văn hóa chính của địa phương.

Hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, còn được gọi là hội hát mùa Xuân, là dịp chào đón đồng bào Sán Chỉ từ mọi miền Tổ quốc và du khách đến giao lưu nghệ thuật văn hóa hát soóng cọ.

Các đôi trai gái Sán Chỉ hát giao duyên trong ngày hội soóng cọ. Ảnh: T.H
Các đôi trai gái Sán Chỉ hát giao duyên trong ngày hội soóng cọ. Ảnh: T.H

Việc khôi phục và tổ chức các hội hát soóng cọ đã đưa loại hình nghệ thuật dân gian này không chỉ bó hẹp trong không gian núi rừng, mà đã được mở rộng qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, nơi đông người. Hát soóng cọ trở thành biểu tượng nhận diện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp xây dựng những sản phẩm du lịch giàu tính trải nghiệm cho địa phương.

Ông Tô Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, hát soóng cọ của Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ là cơ sở tốt để địa phương thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo tồn và phát huy loại hình dân ca của người Sán Chỉ.

Dự kiến trong thời gian tới, căn cứ theo chủ đề công tác năm của tỉnh và kế hoạch của huyện, Trung tâm Truyền thông Văn hóa sẽ chủ trì, phối hợp với các nghệ nhân người Sán Chỉ đẩy mạnh truyền dạy hát soóng cọ cho các câu lạc bộ xã Húc Động và cho học sinh Sán Chỉ trên địa bàn huyện.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/soong-co-dieu-hat-doc-dao-cua-nguoi-san-chi-post670505.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/soong-co-dieu-hat-doc-dao-cua-nguoi-san-chi-post670505.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Soóng cọ - điệu hát độc đáo của người Sán Chỉ