PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, khi mắc sốt xuất huyết người bệnh thường lo lắng không biết rằng có tắm được hay không. Một số bệnh nhân còn chọn cách lau người sơ qua bằng nước ấm, đặc biệt là với nhiều trẻ nhỏ sức khỏe yếu, bố mẹ cũng không dám tắm cho con, sợ con bị ốm hoặc sốt nặng hơn.
Chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo, nếu sốt xuất huyết thế nhẹ, bệnh nhân có thể tắm bình thường nhưng lưu ý không tắm và ngâm người trong nước quá lâu, nên tắm với nước có độ ấm vừa phải, tuyệt đối không tắm với nước lạnh.
Còn nếu gội đầu, đặc biệt với nữ bệnh nhân có mái tóc dài, dày thì nên sấy khô, tránh để tóc ẩm quá lâu khiến cơ thể bị lạnh.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý với trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, bạn cần tránh kỳ, cọ người mạnh vì sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ cực kỳ nguy hiểm. Những triệu chứng như tăng tính thấm của thành mạch, giảm tiểu cầu thường xuất hiện trong giai đoạn giữa (khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7) của bệnh và gây ra xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau:
- Ở dưới da màu đỏ hoặc gây bầm tím
- Bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng
- Xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng và đùi.
Chính vì thế trong thời gian này bạn nên hạn chế việc tắm gội bởi sẽ làm cho các thành mạch máu giãn ra, khiến cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn, tốt nhất bạn nên dùng khăn ấm lau người.
Nếu trong trường hợp vì lý do nào đó bệnh nhân cần phải tắm thì nên cho bệnh nhân tắm bằng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh. Việc dùng nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Lưu ý quan trọng khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý khi điều trị tại nhà cho những bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ: - Thường xuyên cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. - Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin và ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu. - Không được dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa. - Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. "Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh... Đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay" – PGS. Cường nhấn mạnh. |