Ứng dụng kiến thức liên môn, nhóm học sinh lớp 9C, Trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão sáng tạo những chiếc nón bắt mắt. Đó là một trong nhiều sản phẩm STEM của học sinh, mà thầy Bùi Văn Sang - Hiệu trưởng mang “khoe”. Theo thầy Sang, triển khai Chương trình GDPT 2018 và giáo dục STEM là nhiệm vụ quan trọng. Từ bám sát văn bản, lên kế hoạch, chỉ đạo chuyên môn, nhà trường đều sâu sát.
“Trường tích cực bồi dưỡng giáo viên, xây dựng và dạy học STEM, đồng thời phân công giáo viên lên chuyên đề. Qua các bài học, thầy cô hướng dẫn học sinh làm sản phẩm khoa học kỹ thuật và đánh giá kết quả học tập. Từ hoạt động của các lớp, trường tổ chức ngày hội STEM và tham gia phong trào cấp huyện. Đó là sân chơi trí tuệ giúp trò thoả sức sáng tạo”, thầy Sang chia sẻ.
Cũng theo thầy Sang, năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 trường triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Với thuận lợi là đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, nghiệp vụ, tiên phong đổi mới nên phong trào giáo dục STEM của trường được lãnh đạo huyện đánh giá cao.
Năm học trước, nhà trường có 20 đề tài tham gia triển lãm cấp huyện, trong đó có 5 đề tài đạt giải; gian trưng bày STEM của trường được xếp loại xuất sắc. Các sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh nhà trường đạt chất lượng tốt và được tham gia hội thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Đó là tín hiệu vui góp phần lan toả những giá trị giáo dục thiết thực tới học sinh.
Thực hiện nội dung giáo dục STEM, Trường THCS Tân Viên (An Lão) đã lồng ghép vào các tiết dạy chủ đề, chuyên đề trong tổ, nhóm chuyên môn. Đồng thời nhà trường có CLB STEM nuôi dưỡng đam mê sáng tạo cho học sinh.
Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Hải, từ bài học các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Công nghệ…, học sinh làm ra nhiều sản phẩm hữu ích như nhà nổi, cầu phao, bình hoa… Hàng năm có vài trăm sản phẩm sáng tạo của học trò, tuy nhiên độ bền không cao do chủ yếu làm bằng chất liệu tái chế.
Để triển khai giáo dục STEM, thầy Vũ Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ đầu năm học, trường yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể với tên bài dạy, chủ đề, kiến thức cần đạt, sản phẩm dự kiến và xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá. Trường đánh giá việc thực hiện của giáo viên theo học kỳ và báo cáo về phòng GD&ĐT.
“Với đặc thù trường học ngoại thành còn khó khăn, dù rất mong học sinh tiếp cận, phát triển tư duy sáng tạo robot để tham gia các cuộc thi lớn nhưng nhà trường chưa thực hiện được”, thầy Hải chia sẻ.
Cô Cao Hồng Chín - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho rằng, dạy học STEM giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề. Đây cũng là nội dung giáo dục tích cực được nhà trường triển khai nhiều năm nay. Kết quả thể hiện qua sản phẩm học sinh đã làm và giải thưởng tại các cuộc triển lãm STEM, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quận, thành phố.