Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh đại học

09/07/2023, 07:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, một số trường đại học lớn đã tự tổ chức các kỳ thi riêng và sử dụng kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học.

Tiến sĩ Trần Xuân Thảo có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa tiến sĩ Trần Xuân Thảo, hiện nay nhiều trường đại học thông báo sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đơn vị bạn tổ chức thi để xét tuyển trong tuyển sinh. Ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về xu hướng trên?

TS. Trần Xuân Thảo: Việc các trường đại học có thể chủ động quyết định các phương thức tuyển sinh là một bước tiến đáng mừng. Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Thường các kỳ thi đánh giá năng lực này được trông đợi là cung cấp thêm cho đại học để việc tuyển sinh được chính xác hơn trong việc họ tìm ra những ứng viên đáp ứng cho các yêu cầu tuyển sinh của họ. Các trường, trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm, có thể tự làm hay qua một trường hay tổ chức khác, trong nước hoặc quốc tế.

PV: Theo ông, việc nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh có thể dẫn đến những "hiệu ứng phụ" nào?

TS. Trần Xuân Thảo: Nếu việc nhiều trường tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng là hệ quả của việc từ lâu các trường đại học đã rất sẵn sàng cho thay đổi này, đây là một điều đáng mừng. Việc xã hội có những lo ngại và quan ngại về cách làm mới này là không tránh khỏi.

Thế nhưng, vì rằng kết quả của kỳ thi này không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc xét tuyển, việc phân bổ tỷ trọng hợp lý cho các thành tố tuyển chọn sẽ cho phép hạn chế rủi ro.

PV: Hiện nay, chưa có quy chuẩn chung về chất lượng ra đề, chất lượng tổ chức, mức lệ phí,… cho các trường khi tổ chức kỳ thi này. Vậy, cần có những giải pháp nào để quản lý tốt chất lượng của những kỳ thi này, thưa ông?

TS. Trần Xuân Thảo: Dĩ nhiên việc đảm bảo các kỳ thi này có chất lượng là cần thiết. Tuy nhiên, tôi không đứng về phía những người có quan điểm là cần có một giải pháp hay biện pháp chung cấp quốc gia cho việc này vì làm như thế tức lại trở lại vòng tròn của việc thả ra rồi lại thu về - lại rơi vào tình trạng cũ là một kích cỡ cho tất cả, bỏ qua đặc thù của các địa phương.

Hay nói cách khác, chỉ khi các đại học hoàn toàn chủ động trong quyết định về những vấn đề này mới có thể trông đợi tính thích hợp với đặc thù của từng địa phương. Tôi nghĩ, hãy để cho từng trường tự quyết định trong tất cả các vấn đề này miễn họ đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh theo quy định của nhà nước.

PV: Nghĩa là cần có cảnh báo về độ tin cậy và tính chuyên nghiệp của các bài thi, kỳ thi?

TS. Trần Xuân Thảo: Việc thiết kế các bài thi và việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đòi hỏi cả kiến thức và kinh nghiệm, hay nói khác hơn là đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong công tác khảo thí. Khi đa số cá nhân hoặc các giáo viên còn tin rằng họ dạy được tức có thể làm tốt công việc thiết kế các đề thi, hay tổ chức tốt các kỳ thi này thì chừng đó khả năng có rủi ro là rất cao trong việc đánh giá được và đúng năng lực của thí sinh như trông đợi.

Có thể hình dung dễ hiểu như, muốn biết trọng lượng cơ thể của từng thí sinh, thì việc dùng cân là đương nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, độ tin cậy của cái cân là điều phải tính đến. Do vậy, việc sản xuất cân là phải do các nhà sản xuất chuyên nghiệp, chứ không phải người người làm cân, nhà nhà làm cân.

Một vấn đề khác cần quan tâm khi các kỳ thi này được tổ chức trên diện rộng: các đơn vị tổ chức này phải có một ngân hàng đề thi lớn (rất lớn) thì mới có thể có các phiên bản khác nhau cho các nơi, mới mong hạn chế được việc bị “lộ đề” bằng nhiều hình thức.

PV: Có giai đoạn các trường đại học tự tổ chức, tự ra đề và tự xét tuyển. Sau đó, chúng ta có kỳ thi “3 chung” trước khi chuyển sang một kỳ thi quốc gia dùng chung kết quả cho đánh giá tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, dường như chúng ta đang quay trở lại giai đoạn trước năm 2022, có thể dẫn đến tình trạng nhiều "lò" luyện thi xuất hiện. Ông suy nghĩ như thế nào?

TS. Trần Xuân Thảo: Chừng nào có nhu cầu được chuẩn bị cho kỳ thi thì việc ra đời và tồn tại các lò luyện thi là không tránh khỏi. Các lò luyện thi này cũng ra đời và tồn tại mọi nơi dưới nhiều hình thức kể cả ở những nước tiên tiến. Nếu các lò luyện thi này cung cấp dịch vụ một cách lành mạnh thì giúp được người học rất nhiều trong công việc chuẩn bị. Hãy để cho thí sinh, là những người dùng các sản phẩm này, tự quyết trong quyền của người dùng. Tất nhiên, các cơ quan chức năng cần làm tốt công việc bảo vệ người tiêu dùng theo trách nhiệm, quyền hạn của mình.

PV: Theo ông, giải pháp/hình thức hợp lý nhất nên áp dụng hiện nay để việc xét tuyển đại học được hiệu quả, tránh những khó khăn cho thí sinh, phụ huynh là gì?

TS. Trần Xuân Thảo: Đơn giản là để các trường tự quyết định trong việc chọn lựa hình thức hay phương thức tuyển sinh tối ưu cho mục tiêu tuyển sinh của nhà trường. Thí sinh và phụ huynh cần phải là những khách hàng hay người dùng thông minh. Các cơ quan như Bộ hay các cá nhân những nhà giáo dục có thể đưa ra những hướng dẫn hay tiêu chí đánh giá để người dùng tham khảo. Không nên có một cá nhân hay một tổ chức khác nghĩ thay hay làm thay cho mọi người trong trường hợp này. Chắc chắn sẽ có những bài học bổ ích cho tất cả cá nhân hay tổ chức liên quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

TS Trần Xuân Thảo tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế vào năm 1977, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh. Ông hoàn tất chương trình thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh vào năm 1990 tại Đại học Canberra. Sau nhiệm kỳ làm trưởng khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Huế, ông quyết định thay đổi định hướng nghề nghiệp để trở thành một nhà quản trị giáo dục chuyên nghiệp. Từ năm 1995, ông theo học chương trình tiến sĩ Quản lý giáo dục tại Đại học Pennsylvannia, Hoa Kỳ. Sau 3 năm, ông hoàn tất chương trình tiến sĩ và quay trở về Việt nam vào năm 1998.

Ông từng là Giám đốc chương trình Fulbright Program Việt nam; Hiệu phó Chuyên môn Đại học Tân Tạo; Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Openminds International, Đại học Tôn Đức Thắng. Hiện ông là Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc tế, Việt Nam./

Bài liên quan
Tuyển sinh đại học năm 2025 cần quy định thống nhất tổ hợp xét tuyển
PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, năm 2025 cần duy trì kì thi chung dùng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH; tổ hợp xét tuyển nên quy định thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh đại học