Sửa đổi bất cập của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Quốc Ngữ | 29/10/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cần thực hiện đúng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh là chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên và lãnh đạo nhà trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Sửa đổi bất cập ảnh 1
Học sinh, phụ huynh cùng tham gia lễ “Tri ân trưởng thành học sinh lớp 12” Trường THPT Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Điều lệ cần chặt chẽ hơn

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), Bộ GD&ĐT đã có các văn bản cấm trường công thu thêm khoản nào ngoài mức học phí đã quy định ở các cấp học. Nhưng một số trường vẫn không chấp hành nghiêm chỉnh. Có nơi lách “luật” để thu thêm khoản phụ, nhằm trang trải cho hoạt động… thông qua Ban đại diện CMHS. Các khoản thu này thường hợp lý hóa bằng cách để Ban đại diện CMHS đứng ra quyết định, nhằm tránh trách nhiệm nếu có sai trái.

Chia sẻ về Ban đại diện CMHS, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết, Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT ban hành hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện có những thuận lợi, khó khăn phát sinh. Dự thảo Điều lệ Ban đại diện CMHS vừa được ban hành đã nêu rõ việc tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ, hoạt động của Ban đại diện CMHS của lớp, trường; Đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền của trưởng ban (cấp trường có phó trưởng ban) và các thành viên Ban đại diện CMHS của lớp, trường.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của sở, phòng GD&ĐT, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đối với tổ chức và hoạt động của Ban đại diện CMHS… “Thành lập Ban đại diện CMHS là để phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh và các vấn đề phát sinh khác ngoài xã hội. Sự liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, gia đình cần chặt chẽ hơn để phát huy vai trò giáo dục toàn diện học sinh”, thầy Sa Quên nhấn mạnh.

Đối với Dự thảo Điều lệ Ban đại diện CMHS, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) nhấn mạnh, cần phải sửa đổi một số điều của Thông tư 55 để phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, cần phát huy vai trò của Ban đại diện CMHS. Đây là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh; góp phần truyền tải thông tin, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục đến phụ huynh.

Ngược lại, Ban đại diện CMHS thu thập thông tin, ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh đến nhà trường, phối hợp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Vấn đề là ai quản lý hoạt động Ban đại diện CMHS cho phù hợp và chặt chẽ. Tốt nhất là chính quyền địa phương ra quyết định thành lập theo phân cấp quản lý. Trách nhiệm của Ban đại diện CMHS chỉ là vận động xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho học sinh, chứ không thu tiền như nhiều nơi thực hiện...

“Điều lệ Ban đại diện CMHS sắp tới cần được sửa đổi, bổ sung để chặt chẽ, rõ ràng và nghiêm minh hơn. Rất mong giám đốc các sở GD&ĐT, lãnh đạo phòng GD&ĐT tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để hiệu trưởng các trường và chủ nhiệm lớp từ mẫu giáo đến THPT quán triệt đúng Điều lệ Ban đại diện CMHS. Nếu lãnh đạo trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu cần phải xử lý thích đáng”, nhà giáo Lê Xuân Bột kiến nghị.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-sua-doi-bat-cap-post612764.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-sua-doi-bat-cap-post612764.html
Bài liên quan
Hà Nội cấm ban đại diện cha mẹ học sinh thu 7 khoản
(GDTĐ) - Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu tiền để khen thưởng giáo hay mua sắm đồ dùng dạy học cho trường, lớp

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa đổi bất cập của Ban đại diện cha mẹ học sinh