Ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập BRICS. Ảnh: embajadasudafrica.mx
Về phần mình, Cameron Hudson, cộng tác viên cao cấp tại chương trình châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định BRICS đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một con đường khả thi để tạo đòn bẩy và ảnh hưởng quốc tế.
Theo vị chuyên gia này, rõ ràng các nước châu Phi quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, mang lại cho họ cơ hội lớn hơn để định hình các vấn đề có ảnh hưởng đến họ, từ biến đổi khí hậu đến tài chính cho phát triển hay chính trị toàn cầu.
Chuyên gia Hudson lưu ý nhiều người coi BRICS là một cách khác để giúp thúc đẩy những lợi ích đó, bên cạnh những nỗ lực cải cách các công cụ quyền lực toàn cầu hiện có tại G20, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Ví dụ, Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền tệ, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6 vừa qua. Theo Đại sứ Nga tại Ai Cập Georgy Borisenko, Cairo coi việc BRICS tập trung vào vấn đề tiền tệ là lý do chính để tham gia.
"Một trong những sáng kiến mà BRICS hiện đang thảo luận là tiến hành giao dịch thương mại bằng các loại tiền tệ thay thế, cho dù là đồng tiền quốc gia hay thiết lập một số loại tiền tệ chung", ông Borisenko nói.
Trong khi đó, Ethiopia, quốc gia vừa mới hồi phục sau cuộc chiến Tigray, cũng đã nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6.
Paul Nantulya, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, cho rằng một số thành viên mới tiềm năng như Iran, vốn bị trừng phạt nặng nề, đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận quốc tế của họ một phần để tránh bị cô lập. Những nước khác như Ethiopia, Algeria và Ai Cập đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường mới.
Với Indonesia, chuyên gia Nantulya cho biết nước này muốn củng cố vị thế khu vực của mình như một phần của chính sách đối ngoại nhằm tìm cách giành lấy ảnh hưởng quốc tế, trong khi việc tăng cường liên kết với Trung Quốc cũng là động lực chính khiến một số quốc gia muốn gia nhập BRICS.
Ông Nantulya nói: “Ở châu Phi, một số nước tin rằng - dù đúng hay sai - các liên minh chặt chẽ hơn với Trung Quốc có thể giành được nhiều ảnh hưởng hơn ở cấp độ đa phương”.
Theo ông Nantulya, Saudi Arabia đang tìm cách mở rộng và tăng cường quan hệ với Trung Quốc nói riêng và việc gia nhập BRICS do điều đó được coi là hấp dẫn và mang tính chiến lược. Argentina cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố tương tự.
Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, cũng thừa nhận nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Phi, từ lâu đã mong muốn có một tổ chức đa phương phản ánh lợi ích của “Nam bán cầu”. "Trong BRICS, họ nhìn thấy khả năng giấc mơ này trở thành hiện thực và họ háo hức trở thành một phần của khối", Joe Sullivan kết luận.