Tấm lòng của người thầy... không biên chế

12/11/2023, 07:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhờ thầy Hoà nhiều em làng chài được “chắp cánh” bay đi muôn phương, thoát cảnh nghèo đói cứ đeo bám dai dẳng...

Đến giờ, thầy Hòa không nhớ rõ mình đã chèo lái đưa bao nhiêu “khách” sang sông. Trong đó, có những “chuyến đò” gặp trắc trở bởi điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân vạn đò về việc học còn nhiều hạn chế.

Tuy vậy, bằng tình thương đích thực, cái tâm trong sáng của một người cha, người chú không nỡ ngồi nhìn nhiều thế hệ con em ở quê mình mù chữ, thất học, nên thầy đã cố vượt qua tất cả. Thầy Hòa ngày đêm âm thầm vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, kêu gọi các nhà hảo tâm kịp thời “tiếp lửa” để những đứa trẻ không bị đứt quãng trên con đường học.

Trong số hàng trăm học sinh lớp thầy Hòa, nhiều em trưởng thành trong cuộc sống, là những người thợ lành nghề đang cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Điển hình, Nguyễn Văn Viền (mở tiệm may nổi tiếng ở thành phố Huế); Phạm Văn Lành (thợ kép giỏi, chuyên đi thi công các lăng mộ đẹp nổi tiếng ở An Bằng, Phú Vang, Huế); Đặng Văn Quý (thợ mộc giỏi ở Quảng Nam)…

Ngoài ra, nhiều em nhờ thầy Hòa dìu dắt, được học tiếp lên cao và hiện đã có việc làm ổn định, như Trần Văn Muốn (tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng); Trần Văn Mậu (tốt nghiệp ngành Trồng trọt, Trường Đại học Nông Lâm Huế); Hà Thị Thanh Tâm (tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế)…

Hồ Thị Tươi, sinh viên năm thứ tư, ngành Trồng trọt, Trường Đại học Nông Lâm Huế chia sẻ: “Nếu không có thầy Hòa đến nhà động viên bố mẹ cho em ra lớp, thì chắc giờ đây em sống trong ‘bóng tối’, em biết ơn thầy nhiều lắm!”.

Thầy Hòa hiện phụ trách lớp xóa mù, học ban đêm ở khu Định Cư (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có 18 học viên, độ tuổi từ 30 - 62 và 1 lớp học miễn phí cho người lớn tuổi tại nhà. Ông Trần Thưởng, 57 tuổi, đang theo học lớp xóa mù tại nhà thầy Hòa vui vẻ nói: “Thấy mấy đứa trong nhà hát hò vui vẻ mà bản thân ngồi nhìn cái tivi mãi cũng chán, được thầy Hòa động viên nên tui quyết định làm ‘học trò’ của thầy. Sau mấy tháng theo đuổi, chừ tui đã biết làm các phép tính cộng trừ, biết đọc và…. hát karaoke”.

Tìm về ngôi làng có cái tên rất “kêu” - Đập Góc nằm biệt lập, một bên là cánh đồng, còn bên kia là đầm phá Tam Giang trải dài mênh mông bốn bề sóng nước. Nơi ấy, có một người thầy ngoài biên chế vẫn ngày đêm âm thầm trao truyền kiến thức cho con em dân chài thất học. Bởi, trái tim thầy đã được đánh thức bởi lòng trắc ẩn và tình thương con trẻ vô bờ bến.

Thầy Lê Văn Song – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, cho biết: Thầy Trần Văn Hòa là một tấm gương sáng trong làng giáo của huyện nhà về sự tận tâm, tận hiến. Tuy không công tác ở trường công lập, nhưng thầy đã có sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương nói chung và công tác xóa mù chữ, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tam-long-cua-nguoi-thay-khong-bien-che-post660755.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tam-long-cua-nguoi-thay-khong-bien-che-post660755.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tấm lòng của người thầy... không biên chế