Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

Thanh Trà (TTXVN) 02/12/2024 10:05

Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn sinh viên Mô hình Trạm IMS - hệ thống sản xuất chiếu sáng thông minh tại trường Cao đẳng nghề Long An. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Không “lệch pha” giữa đào tạo và sử dụng lao động

Đề cập về sự cần thiết và hiệu quả của gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, đại diện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khẳng định: Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tạo mối quan hệ cộng sinh, đạt mục tiêu cốt lõi của các bên. Đó là nhà trường thực hiện đúng cam kết giải quyết việc làm cho học viên sau tốt nghiệp; doanh nghiệp có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh; học sinh, sinh viên có việc làm phù hợp chuyên môn.

Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đóng trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trường đào tạo nhiều ngành, nghề ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng như cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, điện công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ thông tin, điện lạnh, du lịch, chế biến thực phẩm, may thời trang… Quy mô đào tạo của trường hàng năm khoảng trên 3.000 học sinh, sinh viên.

Thực hiện đúng cam kết đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, trường triển khai đa dạng hình thức hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị quản lý doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm ngay từ khâu tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh. Quá trình đào tạo, trường tổ chức cho học sinh, sinh viên đến học thực hành nâng cao, thực tập tại doanh nghiệp, mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Trường còn hợp tác với một số tổ chức, đơn vị đào tạo, doanh nghiệp ở nước ngoài, đảm bảo cung ứng nhân lực được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường sau tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn luôn đạt trên 90%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô đào tạo trên 8.500 học sinh, sinh viên mỗi năm. Trường có trên 20 ngành, khối ngành như ngôn ngữ, kinh doanh, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - kế toán, công nghệ thông tin, du lịch - khách sạn... Theo lãnh đạo nhà trường, để cung ứng nhân lực đúng nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp, trường cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình, tổ chức đưa sinh viên, học sinh vào thực tập tại doanh nghiệp, giúp người học trải nghiệm nhiều kỹ năng thực tế ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Đại diện người sử dụng lao động, ông Lê Văn Bình, Giám đốc Khách sạn Oscar Sài Gòn cho biết, qua phối hợp chặt chẽ với Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp có nguồn nhân lực phù hợp, không phải đào tạo lại sau tuyển dụng do trong quá trình thực tập, nhiều sinh viên đã nắm khá vững kỹ năng liên quan đến công việc chuyên môn và yêu cầu của doanh nghiệp.

Tại Long An, Trường Cao đẳng Long An là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực hợp tác với doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng, có chương trình đào tạo phù hợp.

Bà Kim Sunsook, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sung Hwa Vina (Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết, sinh viên các ngành như cơ - điện tử, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, may thời trang của Trường Cao đẳng Long An được giới thiệu đến thực tập đã nắm bắt nhanh các yêu cầu công việc, sử dụng thành thạo nhiều máy móc hiện đại trong dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp. Sau thực tập và tốt nghiệp, nhiều em đã được tuyển dụng. Là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất các loại tất cung ứng cho trên 80 thương hiệu thời trang trên thế giới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sung Hwa Vina có trên 700 lao động đang làm việc và vẫn cần tuyển thêm. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được các cấp, ngành tạo thuận lợi phát triển sản xuất, tham gia hội chợ việc làm, đẩy mạnh hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thuận lợi tuyển lao động đạt chất lượng cao.

Cần những đột phá mới

Sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp - đơn vị sử dụng lao động đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường lao động. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc hợp tác này vẫn gặp những thách thức cần được tháo gỡ.

Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan quan tâm hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhưng vì nhiều lý do nên chưa mạnh dạn “đặt hàng” đào tạo với các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, trên thị trường lao động vẫn còn tình trạng chế độ ưu đãi, mức lương đối với người lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp chưa phù hợp. Một số doanh nghiệp hạn chế tiếp nhận học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở vào thực tập nghề.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Huỳnh Như, nâng cao hiệu quả phối hợp với doanh nghiệp, trường chủ động kết nối doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm, phấn đấu thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% quy mô đào tạo của trường. Trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, đa dạng hình thức hợp tác, liên kết đào tạo và giải quyết việc làm, góp phần nâng tỉ lệ cam kết giải quyết việc làm đạt trên 95% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, trường đề xuất các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn để kết nối nhà trường và doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông đến doanh nghiệp về tiếp nhận học sinh, sinh viên học nghề là đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở vào thực tập, được tuyển dụng sau tốt nghiệp; ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp.

Quan tâm tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nên có kế hoạch tăng cường xây dựng mạng lưới cựu sinh viên, nay là thợ lành nghề, doanh nhân, làm “đại sứ” cho hoạt động giới thiệu, quảng bá thương hiệu nhà trường, thuận lợi mở rộng hợp tác với doanh nghiệp.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, theo bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh những doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vẫn còn một số trường hợp băn khoăn sẽ phát sinh chi phí từ hoạt động tham gia đào tạo khiến giá thành sản xuất tăng theo. Suy nghĩ này không phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Doanh nghiệp cần xem đào tạo nghề cho người lao động là một khoản đầu tư dài hạn cho chính mình. Còn về phía cơ sở đào tạo, cần tích cực tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao năng lực, đầu tư các thiết bị giảng dạy, thực hành hiện đại, giúp người học sau khi tốt nghiệp thích nghi tốt với thị trường lao động.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/tang-gan-ket-voi-doanh-nghiep-nang-hieu-qua-dao-tao-nghe-20241202095115890.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/tang-gan-ket-voi-doanh-nghiep-nang-hieu-qua-dao-tao-nghe-20241202095115890.htm
Bài liên quan
Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW: Trọng trách và cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số
Những doanh nghiệp công nghệ số có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, sẽ góp phần đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề