Tăng tốc đào tạo giáo viên Chương trình mới

Quốc Ngữ | 06/04/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường sư phạm đang tăng tốc đào tạo giáo viên phục vụ Chương trình GDPT mới. Bên cạnh tăng chỉ tiêu sư phạm, một số trường mở thêm ngành để đáp ứng nguồn giáo viên giảng dạy môn mới.

Sinh viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thảo luận nhóm.Sinh viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thảo luận nhóm.

Chủ động mở ngành mới

Năm 2022, Trường ĐH Đồng Tháp tuyển sinh các ngành học mới và thêm cơ hội cho thí sinh đăng ký xét tuyển ngành sư phạm, hướng đến đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.

Sinh viên theo học ngành sư phạm sẽ được miễn 100% học phí, đồng thời mỗi tháng còn được Nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng. Thông tin từ ban tuyển sinh, Trường ĐH Đồng Tháp là một trong số các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh ngành Sư phạm Công nghệ từ năm 2018; Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ năm 2021 và ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý từ năm 2022.

Trong đó, ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên (giảng dạy tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Sư phạm Lịch sử và Địa lý (giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý); Sư phạm Công nghệ (giảng dạy môn Kỹ thuật công nghiệp và Kỹ thuật nông nghiệp). Đây là các ngành mới và được đánh giá là cần khi triển khai chương trình mới cấp tiểu học, THCS và THPT.

Trao đổi về công tác đào tạo nhân lực sư phạm phục vụ chương trình mới, TS Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết: Nhà trường chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo giáo viên theo hướng mở, liên thông, trang bị kiến thức đại cương theo lĩnh vực, tăng thời lượng thực tập rèn nghề. Đặc biệt nhấn mạnh đến việc gắn kiến thức, kỹ năng với đạo đức nghề nghiệp trong nội dung đổi mới phương pháp đào tạo thông qua trải nghiệm đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên, dạy học theo hướng phát triển năng lực gắn với yêu cầu trong Chương trình GDPT mới.

Theo TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý là các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong các năm tới. Chương trình đào tạo ngành sư phạm mới, tích hợp các môn học sẽ trang bị cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục áp dụng vào phát triển chương trình nhà trường. Bên cạnh đó, trường cũng định hướng mở các chương trình bồi dưỡng nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức đối với các bộ môn trong chương trình hiện hành.

Cùng với kỹ thuật và công nghệ dạy học hiện đại, chương trình đào tạo sư phạm và bồi dưỡng giáo viên của trường được thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng đào tạo nguồn lực chất lượng cao, có năng lực sư phạm và các kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Thay đổi đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là hệ thống các trường sư phạm.

Vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng

Trường ĐH Cần Thơ là đơn vị trọng điểm, với nhiệm vụ “đầu tàu” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước yêu cầu Chương trình GDPT mới, Khoa Sư phạm đã tham mưu với lãnh đạo trường và thống nhất xây dựng lại chương trình đào tạo với tinh thần đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Theo lãnh đạo Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, Khoa Sư phạm đang nỗ lực thực hiện công tác kiểm định chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Đây được xem là trọng tâm của khoa, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Đổi mới toàn diện chương trình học ở các cấp, hình thức dạy học kết hợp giữa học tập trung và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời kết nối, thông tin hai chiều giữa Khoa Sư phạm và trường phổ thông. Các giảng viên sư phạm còn tham gia hỗ trợ, phối hợp với giáo viên trường phổ thông để hướng dẫn sinh viên kiến tập, thực tập, thi khoa học kỹ thuật… Công tác hỗ trợ, hợp tác này tạo kênh thông tin hai chiều giữa nơi đào tạo và sử dụng giáo viên.

Không chỉ đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ còn tham gia bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường đã tổ chức thành công 32 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và 11 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ. Kết quả các lớp bồi dưỡng được địa phương, cơ sở giáo dục ghi nhận. Những khóa bồi dưỡng rất hữu ích cho giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Đến thời điểm này, các học viên đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy và trong công việc.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT mới, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm: “Không chỉ đổi mới chương trình mà việc hết sức quan trọng là đào tạo đội ngũ giáo sinh ở các trường sư phạm và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để có thể đáp ứng tốt Chương trình GDPT mới. Có chương trình tốt, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng thiếu thầy giỏi rất khó thành công”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, thay đổi đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là hệ thống các trường sư phạm - đây là cỗ “máy cái” đào tạo giáo viên. Người thầy trong thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dạy những điều đã học trong phạm vi chương trình, nhà trường, mà phải “mở”, liên tục cập nhật kiến thức và phải dạy những gì xã hội, thời đại cần, chứ không phải dạy những gì mình có.

Giảng viên luôn cập nhật Chương trình GDPT 2018 và áp dụng luôn vào chương trình dạy học để khi ra trường sinh viên có thể giảng dạy được ngay. Ngoài ra, sinh viên cũng theo dõi, nghiên cứu, cập nhật thêm chương trình mới. Từ nhu cầu thực tiễn, tự thân mỗi sinh viên sư phạm phải nỗ lực tự học, rèn luyện, đào tạo để không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo, mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. - Sinh viên Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Kiên Giang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng tốc đào tạo giáo viên Chương trình mới