(GDTĐ) - Táo đỏ được dùng trong Đông y chữa ho, suy nhược cơ thể và thần kinh, ăn ngủ kém, kiết lị, hồi hộp. Vị thuốc này được thêm vào các bài thuốc để điều hòa tác dụng, điều vị và tăng thêm tác dụng bổ.
Tác dụng dược lý của táo đỏ
Tác dụng chống dị ứng, điều hòa miễn dịch: Táo đỏ được chứng minh có khả năng đặc biệt là chống hen suyễn. Cụ thể, người sử dụng táo đỏ thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn thấp hơn so với người không dùng. Dược liệu này cũng có lợi cho người thường xuyên bị ban, nổi mẩn ngứa ngoài da.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ cao trong quả táo tàu giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Sử dụng dược liệu này thường xuyên có công dụng nhuận tràng, giảm tình trạng táo bón. Đặc biệt, nó còn giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày.
Phòng ngừa bệnh Alzheimer: Vỏ táo có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho não bộ, chống độc, tăng cường trí nhớ, tăng độ minh mẫn. Mọi người nên dùng táo đỏ hàng ngày ở lượng vừa phải để tốt cho não.
Chống tăng mỡ máu, thậm chí hạ mỡ máu: Thành phần natri, kali giúp bảo vệ mạch máu; polyphenol và chất xơ làm tan cholesterol, ngừa mảng bám và ngừa viêm ở thành mạch máu.
Bảo vệ thần kinh, an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường chức năng của não bộ: Thịt và hạt táo khô có tác dụng tăng thời gian, chất lượng giấc ngủ, chữa mất ngủ. Đó là nhờ hoạt chất saponin giảm căng thẳng, lo âu, an thần, cải thiện trí nhớ, bảo vệ tế bào não.
Chống virus: Flavonoid trong táo tàu đỏ kháng khuẩn cực mạnh, kết hợp acid betulinic chống lại các loại virus cúm gây cảm cúm ở người. Đây cũng là thành phần có khả năng chống viêm hiệu quả.
Giảm cân giữ dáng: Hàm lượng chất xơ cao, góp phần chuyển hoá đường và cholesterol, làm sạch đường tiêu hoá và giảm lượng calo nạp vào. Tuy nhiên với lượng đường khá cao, bạn nên ăn táo đỏ ở lượng vừa phải và nên ăn trước bữa ăn.
Tác dụng làm đẹp da: Ăn táo đỏ có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện các vấn đề da liễu như mụn, sạm nám, thâm, nếp nhăn trên da, giảm ngứa do chàm, làm mượt và dày tóc.
Táo đỏ được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
Thuốc bổ: Đại táo 2 quả, đảng sâm 5g, ngô thù du 3g, sinh khương 3g đem sắc uống. Bạn cũng có thể pha trà táo đỏ kỷ tử hoặc chưng ăn táo đỏ đường phèn hằng ngày để bồi bổ.
Chữa ho, miệng khô, đau cổ: Đại táo 20 quả, ô mai 10 quả đem bỏ hạt, giã nhỏ rồi trộn với mật ong để làm thành viên hoàn, ngậm dần từng viên.
Chữa bứt rứt khó ngủ: Đại táo 14 quả, long nhãn 30g nấu chín rồi ăn cả nước lẫn cái.
Chữa động thai: Nướng 10 – 15 quả đại táo bằng than gỗ cho thơm hoặc sao khô đều được, dùng ăn trong ngày. Bạn ăn liên tục 7 – 10 ngày.
Trà táo đỏ mật ong: Cho vài quả táo khô vào hãm cùng nước sôi trong khoảng 15 – 20 phút. Thêm 1 thìa cafe mật ong vào và khuấy đều để trà đậm vị hơn và thưởng thức.
Trà táo hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, uống trà này thường xuyên sẽ giúp thanh nhiệt, bổ sung khí huyết, cực kỳ phù hợp với những ngày hè nắng nóng, oi bức. Bạn chuẩn bị táo tàu khô, hoa cúc khô đem rửa sạch rồi để cho ráo nước. Đun sôi táo đỏ và nước trong 20 phút, tiếp đó cho hoa cúc khô vào. Bạn thêm đường hoặc mật ong tùy thích, khuấy đều rồi tắt bếp, đợi nguội bớt thì uống.
Lưu ý, thận trọng khi dung khi dùng táo đỏ (táo tàu),
Tuy là một loại thuốc phổ biến cũng như an toàn nhưng việc sử dụng táo đỏ cũng cần phải có những lưu ý nhất định.
Khi dùng táo đỏ nấu ăn, không nên nấu chung với hành hay cá.
Người bệnh đang có chứng đàm thấp nê trệ, đầy bụng; trẻ nhỏ bị cam tích, đầy bụng, đờm nhiệt, đau răng không nên dùng.
Để sử dụng vị thuốc này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của táo đỏ. Vị thuốc này an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với táo đỏ (táo tàu). Táo đỏ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.