Ảnh: Andrew Rowat
"Điều gì đã khiến Cao Lầu trở nên kỳ diệu tới mức không nơi nào có được món ăn này? Buổi chiều đầu tiên tôi trở lại Hội An, giếng Bá Lễ trông thật bình thường, chẳng hé lộ điều gì. Tôi càng bước đi, càng quyết tâm tìm ra câu trả lời" – Farley thầm nghĩ.
Thật may, anh đã gặp được những người người bạn giúp đỡ để tìm ra đáp án cho câu hỏi đó. Ông Tạ Ngọc Em, chủ một gia đình có 4 thế hệ sản xuất sợi Cao Lầu truyền thống tại Hội An, đã đồng ý chia sẻ với Farley những gì anh muốn biết về Cao Lầu.
Theo đó, tro, nước giếng và hơi nước trong quá trình chế biến đều góp phần tạo nên nét độc đáo của món ăn này. Ngâm nước tro giúp sợi Cao Lầu có màu vàng nhạt như pha nghệ, đồng thời có tác dụng khử chua, cho phép sợi Cao Lầu có thể để được lâu hơn mà không mất chất. Sợi Cao Lầu khi chín sẽ có màu vàng nghệ và dẻo thơm.
Tuy nhiên, theo ông Em, không nhất thiết phải dùng nước từ giếng Bá Lễ. Gia đình ông đã đào một giếng riêng và nước ở đây có tính chất tương tự như nước ở giếng Bá Lễ, đều có thành phần chính là phèn chua, có tác dụng đối với sức khỏe và có công dụng bảo quản.
Ngoài ra, ông Em cho biết, mặc dù tro củi tràm và nước giếng là hai thành phần quan trọng trong Cao Lầu nhưng nhân tố chính làm nên thành công của món ăn này vẫn là kỹ thuật chế biến.
Ảnh: Andrew Rowat
Trước đó, hãng tin CNN (Mỹ) đã đưa Cao Lầu vào danh sách Top mì ngon nhất châu Á, đồng thời dành nhiều lời khen ngợi cho món ăn này của Việt Nam.
Tờ Huffington Post của Mỹ thì ca ngợi Cao Lầu là một trong những món ăn độc đáo nhất trong kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam.
Sợi mì để làm món Cao Lầu là tâm điểm và cũng là thành phần chính để tạo nên sự độc đáo cho món ăn.
Bài báo của Huffington Post cũng khẳng định, dù rằng ngày nay món Cao Lầu có được chế biến với nước giếng cổ và tro Cù Lao Chàm hay không không quá quan trọng. Điều quan trọng là món ăn này vẫn giữ được hương vị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của một đô thị cổ.