Tờ Guardian nhận định, sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng lần này đóng vai trò rất quan trọng đối với nước Nga. Ngoài thu thập các mẫu vật phục vụ khoa học thì mục tiêu trước nhất của Nga là chứng minh mình vẫn có thể thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng sau những thất bại trong quá khứ và những khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
Trước đó, ông Brian Harvey - nhà sử học vũ trụ nổi tiếng chuyên nghiên cứu các hoạt động khai thác không gian của Liên Xô và Nga – nhận định, nếu sứ mệnh lần này thành công thì niềm tin vào lĩnh vực mà Nga từng dẫn đầu thế giới sẽ được khôi phục.
Nước Nga thời hậu Xô Viết từng 2 lần thất bại trong các sứ mệnh hạ cánh không gian, bao gồm sứ mệnh Mars-96 (1996) và Phobos-Grunt (2011). Cả 2 con tàu thám hiểm đều rơi xuống Thái Bình Dương.
Vitaly Egorov, một blogger nổi tiếng về thám hiểm không gian, bình luận: "Sau 12 năm (tính từ sứ mệnh Phobos-Grunt năm 2011), Nga đã phóng tàu thám hiểm Luna-25. Mọi sự quan tâm giờ đây đổ về việc liệu con tàu có tiếp cận thành công Mặt trăng hay không và nó có thể hạ cánh xuống đó hay không? Họ đã không có được trải nghiệm đó trong 47 năm. Kiến thức cần được khôi phục cho các chuyên gia ở cấp độ công nghệ mới".
Khoảnh khắc tên lửa Soyuz-2 Fregat rời bệ phóng. Nguồn: Guardian
Sứ mệnh thám hiểm thành công Mặt trăng gần nhất của Moscow là vào năm 1976, khi Liên Xô phóng tàu thăm dò Luna 24. Con tàu đã hạ cánh xuống Mare Crisium (một biển của Mặt trăng nằm ở lưu vực Crisium, ngay phía đông bắc của Mare Tranquillitatis) và mang về các mẫu địa chất mà giới khoa học Liên Xô tin rằng đó là bằng chứng cho thấy có sự hiện diện của nước trên Mặt trăng.
Chỉ cần đến được Mặt trăng mà không gặp phải sự cố nào đã được xem là một thành công.
"Vấn đề về 'thanh thế' (của một quốc gia) luôn đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu liên hành tinh, ở Trung Quốc và Mỹ cũng vậy. Đó là lý do vì sao chính phủ Nga đầu tư mạnh cho cuộc thám hiểm này", Egorov nói, "Tôi gọi hoạt động này là Thế vận hội trí não. Đó là cuộc cạnh tranh thực sự để kiểm chứng sức mạnh một cách hòa bình và họ (3 nước trên) đang so kè các nhà khoa học, công nghệ và các nền kinh tế với nhau".
Sứ mệnh Luna-25 của Nga diễn ra không lâu sau vụ phóng thăm dò vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ nhằm tiến vào quỹ đạo của Mặt trăng hồi đầu tuần này. Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos cho biết, họ hy vọng Luna-25 sẽ hạ cánh trên Mặt trăng trước tàu thăm dò của Ấn Độ.
Trong khi nhiệm vụ của Luna-25 trên Mặt trăng dự kiến kéo dài 1 năm, thì tàu đổ bộ của Ấn Độ sẽ chỉ hoạt động trong vòng 2 tuần.
"Luna-25 có thể chứng minh rằng Nga, chương trình vũ trụ và các chuyên gia của họ có thể mang tới những tác động tích cực và làm phong phú khoa học quốc tế" – Egorov kết luận.