Tên lửa ATACMS có giá không hề rẻ, ước tính vào khoảng 1,5 triệu USD/quả. Mức giá cao là nguyên nhân Hà Lan và Phần Lan hủy mua tên lửa để lựa chọn giải pháp khác.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã không đặt mua thêm tên lửa đạn đạo ATACMS từ năm 2007 do chi phí cao. Lầu Năm Góc sau đó hợp đồng với hãng Lockheed Martin để nâng cấp số tên lửa còn lại trong kho dự trữ.
Hơn 3.700 đạn tên lửa ATACMS được Mỹ sản xuất cho đến năm 2007, trong đó Mỹ đã sử dụng khoảng 600 quả.
Mỹ phóng tên lửa đạn đạo ATACMS trong một cuộc tập trận.
Theo báo Nga, tên lửa đạn đạo Iskander có cơ chế hoạt động và năng lực tương tự như tên lửa ATACMS. Tuy nhiên, tên lửa Iskander có tầm bắn xa hơn (500km) và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Trước khi Mỹ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot, tên lửa Iskander của Nga được coi là vũ khí "không thể đánh chặn".
Điểm khác biệt của Iskander là mẫu tên lửa này cần xe phóng chuyên dụng, trong khi tên lửa ATACMS có thể phóng từ pháo phản lực HIMARS hoặc các hệ thống pháo phản lực khác.
Hãng Lockheed Martin hiện đang phát triển mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật mới thay thế ATACMS. Mẫu tên lửa mới có tầm bắn 500km và mỗi xe phóng mang theo tối đa 2 đạn tên lửa.
Nga từng nhiều lần khẳng định rằng, nếu Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine thì đây là dấu hiệu leo thang nguy hiểm. Ukraine có thể sử dụng mẫu tên lửa có sức công phá lớn này để tập kích mục tiêu trên bán đảo Crimea. Để đối phó với tên lửa ATACMS, Nga có thể sẽ phải thay đổi chiến lược phòng thủ, bổ sung thêm các hệ thống phòng không.
So với tên lửa hành trình Storm Shadow mà Anh cung cấp cho Ukraine, tên lửa ATACMS uy lực hơn nhiều nên Mocsow có lý do để quan ngại, theo Sputnik.