Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm "chạy đua" với tử thần

Văn Tiên, | 11/02/2024, 14:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có lẽ chuyện "lỗi hẹn" với Tết để giành giật sự sống cho các bệnh nhân đã không còn xa lạ đối với các y, bác sĩ trực Tết ở khoa Cấp cứu. Khi mọi người đang sum vầy bên gia đình thì những người mặc blouse trắng vẫn âm thầm chạy đua với tử thần để cứu sống bệnh nhân.

Tết gắn liền với tiếng còi xe cấp cứu

12h trưa một ngày cận Tết, tiếng máy thở, bình oxy xen lẫn tiếng bước chân vội vã chốc chốc lại vang lên trong căn phòng của khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, TP.HCM.

Bên cạnh mớ dây nhợ chằng chịt, mũi kim tiêm là những bệnh nhân đang cố gắng chạy đua từng phút cùng các y bác sĩ trong cuộc chiến với tử thần. Áp lực khủng khiếp đè nặng lên đôi vai của những nhân viên y tế, khi mà sự sống và cái chết của những bệnh nhân mong manh hơn bao giờ hết.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 1.

Những ngày Tết, khối lượng công việc của các y bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy nhiều hơn thường ngày

Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, BS.CK1 Trần Anh Thế – Trưởng kíp trực của khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy thở phào nhẹ nhõm khi vừa phối hợp với các y bác sĩ trong khoa hỗ trợ một bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Mặc dù đã gắn bó với công việc 20 năm, trong đó có hơn 10 năm công tác tại khoa Cấp cứu nhưng 24 giờ mỗi ngày với bác sĩ Thế là một cuộc chiến mới. Chỉ cần sơ sẩy một chút, cái giá phải trả đôi khi là cả tính mạng của một bệnh nhân hay sự dằn vặt suốt cả cuộc đời.

Gấp lại đống hồ sơ bệnh án, bác sĩ Thế cho biết với các y bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu, Tết là những ngày bận rộn và chịu nhiều áp lực nhất. Có người ít thì 1-2 năm, nhiều thì trên 10 năm chưa được về với gia đình để đón giao thừa hay sum vầy dịp Tết, tất cả đều cùng nhau túc trực tại bệnh viện để hoàn thành trọng trách mà họ gánh vác.

"Tết thì bao giờ cũng muốn được ở bên gia đình, muốn nghỉ ngơi nhưng vì tính chất công việc của cấp cứu nên mình phải dẹp những riêng tư để hoàn thành công việc, xong công việc thì mới đến gia đình. Quê mình thì ở Đà Nẵng, sau Tết mới sắp xếp về quê bù, hỏi buồn không thì tất nhiên là có, nhưng riết rồi cũng quen. Ở trong viện những ngày Tết thì mình chỉ biết có bệnh nhân, cố gắng làm sao để bệnh nhân có kết quả tốt nhất, thoát khỏi lưỡi hái tử thần", BS.CK1 Trần Anh Thế chia sẻ.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 2.

Dù đã quen với công việc ở khoa Cấp cứu nhưng mỗi ngày trực là một cuộc chiến mới của bác sĩ Thế

Theo bác sĩ Thế, mỗi kíp trực Tết tại khoa Cấp cứu kéo dài 12 tiếng, đó cũng là 12 tiếng y bác sĩ trong kíp trực đối diện với lằn ranh sinh tử của bệnh nhân, nơi "đầu sóng ngọn gió".

"Những ngày thường thôi khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy đã rất căng thẳng rồi, Tết thì áp lực càng khủng khiếp hơn nữa khi bệnh nhân chuyển lên bệnh viện đông hơn. Chưa kể Tết cả bệnh nhân và thân nhân họ có nhiều cảm xúc hơn, cứ nghĩ đến viện rồi về ăn Tết tiếp nên tâm lý lo lắng, hoảng loạn… Mình thì lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cố gắng hết sức để mang lại sự sống cho bệnh nhân, khi về đến nhà không có sự áy náy hay luyến tiếc gì", bác sĩ Trần Anh Thế tâm sự.

Trong khi đó 13 năm công tác tại BV Chợ Rẫy cũng là 13 năm điều dưỡng Nguyễn Thị Yến Ngọc trực Tết trong bệnh viện. Dù quê ở Bến Tre nhưng điều dưỡng Ngọc không thể có một cái Tết sum vầy bên gia đình.

"Năm nào mình cũng trực tết cả, giữa các ca trực thì mình tranh thủ chạy về nhà, như năm ngoái sáng mùng 1 mình chạy về đến mùng 2 lại lên bệnh viện trực tiếp, qua Tết thì sẽ có đợt bù, anh em trong khoa mới sắp xếp chia nhau ra nghỉ.

Nhà mình thì không có ai làm bên ngành y, Tết đến mọi người đều quây quần bên nhau, bạn bè cũng rủ họp lớp, đi chơi nhưng mình đâu có tham gia được, nhiều lúc cũng buồn nhưng công việc mà. Đặc biệt ở khoa anh chị em đều coi nhau như gia đình thứ 2, cùng nhau vừa làm, vừa đón giao thừa, ấm áp lắm", điều dưỡng Yến Ngọc nói.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 3.

13 năm làm ở bệnh viện là 13 năm điều dưỡng Ngọc đón Tết cùng anh chị em đồng nghiệp

Dù đã quen với tiếng còi xe cấp cứu nhưng điều dưỡng Ngọc vẫn rất sợ và căng thẳng khi nghe thấy, trước áp lực công việc nhân đôi trong những ngày nghỉ Tết, điều dưỡng Ngọc mong rằng các bệnh nhân và thân nhân cần giữ bình tĩnh và thông cảm cho đội ngũ y bác sĩ, đừng tạo thêm sức ép để mọi người chuyên tâm cứu người.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 4.

"Mình mong trong năm mới, bản thân và các anh chị em đồng nghiệp trong ngành y có đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ bệnh nhân, làm sao giúp càng nhiều bệnh nhân vượt qua cửa tử để quay về đoàn tụ với gia đình", điều dưỡng Yến Ngọc bộc bạch.

Đã ở trong viện thì không nghĩ đến Tết, chỉ biết có bệnh nhân

Hơn 20 năm đón Tết trong bệnh viện, với BS.CK2 Nguyễn Thanh Thiện - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM thì hầu như cái Tết không còn trọn vẹn như xưa. Thay vào đó, Tết của các y bác sĩ gắn liền với trách nhiệm, sự tận tuỵ cứu chữa bệnh nhân.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 5.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Thiện - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng 2 trải lòng về những ngày trực Tết

Để có thể làm việc trong môi trường đầy áp lực, nhất là giành giật sự sống cho các em bé sơ sinh, BS. Thiện tự lên dây cót tinh thần cho mình cũng như động viên, chia sẻ với các y bác sĩ trong khoa dù là ngày thường hay dịp lễ Tết. Chỉ cần có một cơ hội để cứu được em bé, bằng mọi giá BS. Thiện và các đồng nghiệp đều không từ bỏ.

"Đã ở trong bệnh viện thì mình không nghĩ gì đến Tết, chỉ biết làm hết trách nhiệm của các y bác sĩ để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhi. Dịp Tết với các khoa bệnh nặng, khối lượng công việc nhiều hơn đi đôi với áp lực nên Tết nào, các y bác sĩ cũng ao ước tất cả bệnh nhi được bình an, không có bé nào phải ra đi", bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện trải lòng.

Là người quản lý, điều hành khoa nên trước Tết, bác sĩ Thiện thường phân chia lịch trực sớm để mọi người trong khoa sắp xếp, hỗ trợ nhau "được nghỉ Tết".

"Nhà mình thì ở TP.HCM nên không có chuyện phải đi về quê như các y bác sĩ khác nên thường mình sẽ trực Tết, nhường cho các bạn ở xa được về quê. Nhưng thời gian di chuyển về quê có khi mất cả ngày nên đối với những nhân viên về xa thì hầu như các bạn không còn Tết nữa…

So với ngày thường thì lực lượng trực Tết mỏng hơn nhưng khối lượng công việc lại nhiều hơn, gần như cực lắm, phải làm sao cân đo đong đếm trong 24 giờ đồng hồ trực, đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi. Nên là sau 1 ngày trực, mình phải dành 1 ngày để nghỉ ngơi, vậy là hết 2 ngày", bác sĩ Thiện cười nói.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 6.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 7.

Niềm vui và hạnh phúc của bác sĩ Thiện là được nhìn thấy những bệnh nhi an toàn trở về với gia đình

Mặc dù không thể có được một cái Tết trọn vẹn như mọi người nhưng với các y bác sĩ, hương vị của Tết được cảm nhận theo một cách riêng, là những vui buồn mà chỉ có nhân viên ngành y mới hiểu được.

"Có những thân nhân ở lại để chăm bệnh nhi, Tết đến mọi người có quà quê cũng gửi y bác sĩ, có người còn lì xì lộc đầu năm nữa. Vui lắm, mình thấy được sự ấm áp và tấm lòng của mọi người dành cho nhân viên y tế, đó cũng là động lực để các y bác sĩ cố gắng nhiều hơn nữa trong hành trình giành giật sự sống cho bệnh nhi", bác sĩ Thiện tâm sự.

Mặc dù là một trong những khoa non trẻ tại BV Nhi Đồng 2 nhưng Hồi sức sơ sinh là chốt chặn cuối cùng để giúp những em bé sơ sinh nguy kịch có cơ hội sống tiếp. Trong môi trường đầy sự khắc nghiệt, ngoài vấn đề chuyên môn, chịu được áp lực, để có thể bám trụ và cống hiến hết mình cho khoa Hồi sức sơ sinh, các y bác sĩ cần phải có sự tỉ mỉ, kiên trì, đặc biệt là tình yêu thương vô điều kiện với trẻ nhỏ.

"Mình luôn dặn các em đồng nghiệp phải coi những em bé ở đây như con của mình. Mình phải đặt mình vô tâm thế của những thân nhân ở đây để mình biết họ nghĩ thế nào, phải mở lòng và lắng nghe họ. Nếu mình không có thời gian để dành cho người ta thì làm sao hiểu được người ta và làm sao người ta hiểu được mình. Tết đến mình chỉ mong các em bé đủ mạnh mẽ để vượt qua bệnh tật, các bệnh nhi đều được bình an, không có bé nào phải ra đi, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của các y bác sĩ", BS. Thiện chia sẻ.

Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm chạy đua với tử thần - Ảnh 8.

Dù là Tết hay ngày thường, với các y bác sĩ, khi ở trong bệnh viện họ chỉ nghĩ đến công việc, cố gắng hết sức trong cuộc chiến tử thần để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân

Có lẽ không chỉ riêng bác sĩ Thiện, bác sĩ Thế, điều dưỡng Ngọc... mà tất cả nhân viên y tế, dù Tết đến không có được niềm vui sum họp gia đình nhưng động lực để mọi người tiếp tục cống hiến, cháy hết mình với đam mê là được nhìn thấy những bệnh nhân được khoẻ mạnh, hồi sinh từ phòng cấp cứu, hồi sức trở về bình an bên gia đình.

Trước thềm năm mới, Tết Giáp Thìn, mong tất cả các y bác sĩ đang công tác trong ngành y luôn dồi dào sức khoẻ, mãi là chốt chặn quan trọng mang đến sự bình yên cho tất cả mọi người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết cùng tiếng còi xe cấp cứu: Khi mọi người sum vầy, họ vẫn âm thầm "chạy đua" với tử thần