Văn hóa

Tết hoa Mào gà: Nét đẹp truyền thống dân tộc Cống, Điện Biên

Hà Quàng 12/02/2024 06:54

(GDTĐ) - Mỗi độ xuân về, nhắc đến Tết của đồng bào dân tộc Tây Bắc, không thể không kể tới Tết Hoa hay còn gọi là Tết hoa Mào gà của đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên - một nét đẹp văn hóa còn lưu truyền.

tet.-mao-ga.jpg
Người dân tộc Cống chuẩn bị cho tết hoa mào gà. Ảnh: TTXVN

Bản sắc độc đáo còn lưu truyền

Dân tộc Cống là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời là một trong 5 dân tộc ít người ở địa phương này.

Tại Điện Biên, đồng bào Cống sinh sống tập trung ở 4 bản Púng Bon, Huổi Moi, Nậm Kè và Lả Chà thuộc ba xã của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên với hơn 210 hộ, trên 1.150 nhân khẩu.

Theo phong tục tập quán của dân tộc Cống còn bảo lưu, trao truyền được những lễ hội đặc sắc, độc đáo gồm: Tết hoa Mào gà, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng hồn lúa, Cúng nương rẫy... Trong đó, Tết hoa Mào gà (Mền Loóng Phạt Ái) là nghi lễ độc đáo nhất, bởi thông qua đó phản ánh sinh động đời sống và bản sắc của cộng đồng người Cống.

Như chúng ta biết, cứ mỗi độ tết đến xuân về cây cỏ, hoa lá đều đua nhau khoe sắc thắm, rực rỡ. Hoa Mào gà không đẹp sang trọng mà mang một vẻ đẹp giả dị, thường được bà con đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trong ngày Tết.

Nhắc đến Hoa Mào gà người ta thường sẽ nhớ đến Hoa Mào gà màu đỏ, nhưng thật ra ngoài mào gà đỏ ra còn có mào gà vàng, mào gà cam… Theo phong thủy, hoa mào gà sẽ mang đến may mắn, tiền tài và bình an cho gia chủ, vì thế, hoa mào gà thường được chưng vào ngày Tết cổ truyền. Hơn nữa, hoa mào gà còn tượng trưng cho sự hy sinh cao thượng, tấm lòng bao dung, sẵn sàng hy sinh vì người khác.

tet-mao-ga.jpeg
Người dân trang trí hoa mào gà quanh nhà chuẩn bị đón tết. Ảnh: TTXVN

Tết hoa Mào gà là Tết cổ truyền quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Cống và thường tổ chức vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ðây là dịp để đồng bào Cống bày tỏ sự biết ơn tổ tiên, cội nguồn. Ðồng thời, tôn vinh bản sắc văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Cống.

Bên cạnh đó, các nghi lễ được tổ chức ngoài yếu tố tâm linh, còn có nghệ thuật trình diễn dân gian nên cuốn hút cả cộng đồng. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng.

Lễ cúng Tết hoa theo nghi thức cổ truyền được tiến hành một cách trang trọng tại địa điểm tổ chức chung của bản. Tại mỗi gia đình, từ sáng sớm, chủ các gia đình đã chuẩn bị lễ vật bày lên mâm đặt trong gian thờ cúng của gia đình để cúng tổ tiên thần linh. Lễ vật dâng cúng có xôi, cá nướng, khoai sọ, sắn, bí đỏ, bí xanh, ớt, bánh chưng và hòn đá thiêng… Chủ nhà thắp nến, trịnh trọng khấn mời tổ tiên, thần linh hưởng lễ vật và phù hộ cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, mùa màng bội thu...

thay-cung-chuan-bi-do.jpeg
Mâm cúng Tết được người Cống chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Ảnh: TTXVN

Giữ gìn nét đẹp truyền thống lâu đời

Trước khi tổ chức Tết hoa Mào gà khoảng 10 ngày, thầy cúng của bản sẽ xem sách, chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) và thông báo, ấn định cho người dân biết ngày tổ chức.

Sáng sớm ngày tổ chức Tết hoa Mào gà, sau nghi thức cúng bản, già làng sẽ “phát lệnh” cấm bản. Biểu tượng “Me khá” (được đan bằng tre nứa, có hình mắt cáo) sẽ được cắm ở cổng rào đầu bản như gửi thông điệp đến mọi người không được tự do ra, vào bản. Lễ thức cúng bản xong, lễ chủ của mỗi gia đình sẽ lên nương, tìm đến vùng chuyên gieo trồng hoa mào gà để chọn những cành hoa đẹp, hái hoa mang về nhà thầy cúng, cùng nhau trang trí lên một cây tre còn nguyên cành dựng giữa nhà thầy cúng rồi đi cắm hoa lên cửa, vách, cầu thang, bờ rào của các gia đình trong bản.

Tết hoa Mào gà thường diễn ra nhiều ngày, nhưng cho tới nay chỉ còn một ngày một đêm. Không gian và địa điểm tổ chức Tết hoa Mào gà tại nhà già làng và các gia đình. Diễn trình Tết hoa Mào gà bao gồm nhiều nghi thức, lễ thức độc đáo, thu hút mọi người tham gia, có tính cố kết cộng đồng cao.

Vào bản trong những ngày này, mới đứng trên con dốc cao nhìn về phía bản đã vang vọng khắp núi rừng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, tiếng hát, tiếng cười rộn rã và những làn khói bếp bay lên, quyện hòa, bảng lảng cùng sương sớm. Trên những căn nhà sàn truyền thống của người Cống, lá cờ Tổ quốc đang tung bay, khoe sắc đỏ giữa nền xanh thẫm của đại ngàn.

tet-mao-ga-xuan-tu-ttxvn.jpeg
Thầy cúng làm lễ để tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và đấng thần linh. Ảnh: TTXVN

Tết hoa Mào gà là dịp đồng bào hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và các đấng thần linh (thần đất, thần sông, thần rừng…) trong năm cũ đã phù hộ, đồng hành, tiếp thêm sức mạnh cho người dân có sức khỏe dồi dào, cây cối trên nương rẫy, ruộng vườn tốt tươi, mùa màng bội thu. Trong Tết hoa Mào gà, người dân sẽ cầu xin tổ tiên, thần linh những điều tốt đẹp trong năm mới, chúc nhau may mắn, thuận lợi và cùng sum vầy, vui chơi để bàn làng càng thêm đoàn kết.

Đặc biệt, trong tâm thức của người Cống, Tết hoa Mào gà còn mang tính khởi nguyên cho mọi công việc ở bản làng. Bởi nếu Tết hoa Mào gà chưa được tổ chức, trong năm mới chưa ai được phép đi phát nương, làm rẫy, vui chơi, ca hát hay làm những công việc trọng đại của gia đình, dòng tộc. Khi chưa tổ chức Tết hoa Mào gà, các vật dụng sản xuất nông nghiệp như cày (thai), bừa (ban), liềm (kiếu)... đều được “đánh dấu” nghỉ ngơi, không ai được sử dụng đến.

Sau phần lễ là phần hội được tổ chức tại nhà văn hóa của bản. Với các tiết mục múa đặc sắc như múa hổ, múa thu hái, múa gieo hạt… và các môn thể thao có tổ chức thi có giải thưởng như bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh cù…

Trong ngày Tết, cả bản tưng bừng không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống rồi vãi hạt giống (thóc, ngô) khắp không gian chung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới nhiều tốt lành như những trận mưa hạt giống trong lễ hội./.

Hiện nay, tại xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; Pa Thơm, huyện Ðiện Biên và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé có đồng bào dân tộc Cống sinh sống hằng năm vẫn tổ chức Tết hoa Mào gà. Với ý nghĩa, giá trị văn hóa nêu trên, Tết hoa Mào gà của đồng bào dân tộc Cống ở Ðiện Biên đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Ðiện Biên.

Bài liên quan
Tết 'Bươn Chiêng' của dân tộc Thái
(GDTĐ) - Đối với đồng bào dân tộc Thái, trong rất nhiều lễ tết hàng năm, họ chỉ "ăn Tết" 3 lần: "Chiêng Xam" Tết Thanh minh, “Xíp Xí” và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán “Bươn Chiêng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết hoa Mào gà: Nét đẹp truyền thống dân tộc Cống, Điện Biên