Thạc sĩ tâm lý khuyết tật và trái tim trọn vẹn yêu thương

Bảo Anh. Ảnh: VTV | 07/09/2023, 17:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Đặng Hoàng An ở Cần Đước, Long An là giảng viên, Thạc sĩ Tâm lý tại Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 2016, biến cố ập đến, lấy đi đôi chân của An.

Đặng Hoàng An là khách mời chương trình Trạm yêu thương phát sóng 10h thứ Bảy ngày 9/9 trên VTV1. Điểm mới tuần này là màn “đổi vai” ngay ở đầu chương trình.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An xuất hiện cùng giọng nói ấm áp quen thuộc trên sóng radio giới thiệu về bản thân, về vòng tròn của cuộc sống và về đôi chân tròn đặc biệt của mình.

tram-yeu-thuong-3-.jpg
Đặng Hoàng An - khách mời chương trình "Trạm yêu thương".

Đặng Hoàng An ví bánh xe lăn như “đôi chân tròn”. Anh kể về biến cố: “Do làm việc quá sức, một chiều cuối tháng 4/2016, trong khi đi từ lầu xuống, tôi bị ngã và chấn thương rất nặng vì tụt canxi. Cú ngã khiến tôi bị chấn thương tủy, đôi chân cứ thế ngày càng teo nhỏ và mất đi chức năng vốn có của nó”.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, có công việc nhiều người mơ ước sau biết bao nỗ lực... cả thế giới như sụp đổ. Anh càng tuyệt vọng hơn khi bác sĩ nói lời xin lỗi, đôi chân không thể phục hồi. Tia sáng cuối cùng cũng biến mất, anh đành thu mình sống trong mặc cảm.

tram-yeu-thuong-1-.jpg

Bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu hoài bão vẫn còn dang dở. Đặng Hoàng An tâm sự với giọng trầm buồn: “Vốn dĩ là một người hướng ngoại, năng động, tôi dần thu mình lại bởi mặc cảm tật nguyền sau cú ngã của cuộc đời. Những cơn đau hành hạ thể xác và cả ý chí. Đang lưng chừng tuổi ba mươi, vừa chạm tới thành công thì tất cả trở thành một vòng trắng”.

Sau khi xuất viện, Hoàng An xin nghỉ việc ở trường đại học, về quê sống cùng bố mẹ. Anh không gặp bất cứ ai, thậm chí, anh từ chối ngồi chiếc xe lăn do đồng nghiệp tặng, chỉ nằm bất động trên giường.

Chính những kiến thức về tâm lý học từng giúp anh đoán được suy nghĩ của mọi người, giờ đây lại trở thành tác dụng phụ khi được mọi người hỏi thăm bệnh tình, anh càng thấy mình trở thành gánh nặng.

tram-yeu-thuong-2-.jpg

Ba mẹ của anh nghe ai chỉ dẫn ở đâu có bác sĩ, thầy thuốc tốt thì đều đưa con đến thăm khám. Cuộc sống trôi đi cho đến cuối năm 2017, khi ba mẹ đang giúp anh gội đầu, cơn co giật kéo đến. Anh cắn phải lưỡi, ngừng thở mất mấy phút.

Lúc mở mắt ra, Hoàng An thấy cha đang quỳ sụp bên mình, còn mẹ không ngừng khóc gọi anh. Chính sự yêu thương, lo lắng và những giọt nước mắt của mẹ đã khiến anh chàng trai 9X thức tỉnh.

Sau hôm đó, anh nhờ cha đặt mình vào chiếc xe lăn, bắt đầu đọc lại sách, lên mạng xem các chương trình truyền cảm hứng. Hoàng An suy nghĩ: Nhiều người còn bị nặng hơn nhưng họ vẫn sống tốt, mình có cha mẹ, đồng nghiệp, sinh viên, bạn bè bên cạnh, sao phải nản lòng?...

Anh bắt đầu tập ngồi dậy, tập xúc cơm ăn, tập tắm rửa... Ban đầu, cơm vương vãi, nước gội đầu tung tóe, nhưng sau vài tháng, chàng trai đã có thể tự làm được mọi việc.

Từ đọc sách, làm công việc chuyên môn, anh An còn nghiên cứu trồng nấm, kiếm thêm thu nhập để phần nào san sẻ gánh nặng về kinh tế trên vai bố mẹ.

tram-yeu-thuong-4-.jpg

Trong chương trình, Hoàng An bật mí về bức thư “Nếp nhà có cha, con còn tất cả” không chỉ giúp anh giành giải Nhất trong một cuộc thi viết về gia đình mà còn là nỗi lòng của một người con gửi gắm đến cha - người đã thay đôi chân của mình.

Bắt đầu từ năm 2019, nhận thấy nhiều người từng rơi vào mặc cảm giống mình, Hoàng An đã nhận lời tham gia các chương trình tư vấn tâm lý: Chuyện gia đình, Ống kính học đường, Đồng hành cùng con.

Bên cạnh đó, với kiến thức chuyên ngành từng học và giảng dạy, anh tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề để truyền cảm hứng cho sinh viên, học sinh ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học...

tram-yeu-thuong-5-.jpg

Trở về với đôi chân không lành lặn, nhưng Đặng Hoàng An mang lại một trái tim ấm áp và truyền động lực đến cho mọi người. Anh lập quỹ Nhân ái để giúp đỡ những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Đặng Hoàng An còn mong muốn xây dựng tủ sách cho trẻ em nghèo nơi biên giới. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm động lực cho những dự định đầy nhân văn của chàng trai sinh năm 1991 này.

Chương trình Trạm yêu thương lên sóng lúc 10h thứ Bảy 9/9 trên kênh VTV1.

Bài liên quan
Hoạ sĩ khuyết tật vẽ bức tranh cuộc đời bằng sự lạc quan
(GDTĐ) - Mắc căn bệnh hiểm nghèo viêm tuỷ cắt ngang nhưng chị Lê Thị Mỹ Bình (sinh năm 1981, Yên Bái) đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành hoạ sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thạc sĩ tâm lý khuyết tật và trái tim trọn vẹn yêu thương