Thái tử Saudi chủ trì hội nghị lớn chưa từng có: Tín hiệu mới về quan hệ Trung Quốc - thế giới Ả Rập

Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 19/06/2023, 18:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau những rạn nứt trong quan hệ với Mỹ, các nước Ả Rập đang có những động thái cho thấy quan hệ ngày càng bền chặt với Trung Quốc.

Trong hai ngày 11-12/6/2023, dưới sự chủ trì của Thái tử kiêm Thủ tướng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MBS), Hội nghị Doanh nghiệp Ả Rập - Trung Quốc lần thứ 10 đã được tổ chức tại Riyadh với khẩu hiệu "Hợp tác vì thịnh vượng".

Tham gia hội nghị có Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Faisal bin Farhan, Bộ trưởng Đầu tư Ả Rập Saudi Khaled Al-Falih, Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Ahmed Aboul Gheit, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Hồ Xuân Hoa. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là sự phát triển chưa từng có trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước Ả Rập và Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng với thế giới Ả Rập

Quan hệ Trung Quốc với các nước Ả Rập đã có từ lâu, nhưng gần đây phát triển hết sức nhanh chóng. Tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Ả Rập Saudi cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình ngay sau đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dịp này, ba hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức: Trung Quốc - Ả Rập Saudi, Trung Quốc - Vùng Vịnh và Trung Quốc - Ả Rập. Có thể nói, đây là hoạt động ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc với các nước Ả Rập kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đến nay.

Đáng lưu ý, trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Ả Rập Saudi đã ký thỏa thuận nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm "Đối tác chiến lược toàn diện", Ả Rập Saudi trở thành nước thứ năm có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc sau Nga, Việt Nam, Indonesia và khối ASEAN.

Thái tử Saudi chủ trì hội nghị lớn chưa từng có: Tín hiệu mới về quan hệ Trung Quốc - thế giới Ả Rập - Ảnh 1.

Theo hướng này, các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Saudi đã thỏa thuận cung cấp dầu ổn định cho Trung Quốc với khoảng 90 triệu tấn/năm và đồng ý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Qatar ký thỏa thuận cung cấp khí hóa lỏng ổn định với 4 triệu tấn/năm cho Trung Quốc thời hạn 27 năm, trở thành nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn nhất cho Trung Quốc.

Về quân sự, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang các nước Ả Rập đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể, sau khi Mỹ từ chối bán một số loại vũ khí cho họ, trong đó có máy bay không người lái và chiến đấu cơ F-35.

Điều đặc biệt là gần đây nhiều nước Ả Rập đã tỏ mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Trung Quốc và Nga tham gia sáng lập, trong đó có Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Algeria. Các nhà phân tích chính trị dự đoán hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS được tổ chức vào tháng Tám tới sẽ kết nạp nhiều thành viên mới, trong đó có một số nước Ả Rập nòng cốt, đưa khối này trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế thế giới. Một số nước Ả Rập có ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Các nước Ả Rập ngày càng xa rời Mỹ

Quan hệ Mỹ với các nước Ả Rập, đặc biệt là với Ả Rập Saudi chứng kiến nhiều rạn nứt. Gần đây, Mỹ đã cử nhiều phái đoàn cấp cao đến thăm khu vực, tập trung vào Ả Rập Saudi, trong đó có Giám đốc Cơ quan tình báo (CIA) William Burns (5/2022), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (3/2023), Tổng thống Joe Biden (7/2022), Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sollivan (5/2023), và mới đây nhất là Ngoại trưởng Anthony Blinken (6/2023).

Đặc biệt trong chuyến thăm mới đây, ông A. Blinken đã có cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Một trong những mục đích chính của các chuyến thăm này là củng cố quan hệ đồng minh và gây sức ép với các nước Ả Rập giảm quan hệ với Trung Quốc.

Thái tử Saudi chủ trì hội nghị lớn chưa từng có: Tín hiệu mới về quan hệ Trung Quốc - thế giới Ả Rập - Ảnh 2.

Sau khi đắc cử Tổng thống, ông J. Biden đã nhanh chóng thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử mang lại bất lợi cho Riyadh, trong đó có việc ngừng bán vũ khí tấn công, rút các lực lượng Mỹ và các hệ thống phòng thủ chống tên lửa Patriot và THAAD, trừng phạt một số quan chức an ninh Ả Rập Saudi được cho là có liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vào tháng 10/2018.

Bất chấp các sức ép về kinh tế, chính trị của Mỹ, Ả Rập Saudi và các nước Ả Rập vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc - nước được Washington coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Vùng Vịnh, Thái tử MBS phát biểu quan hệ giữa Vùng Vịnh và Trung Quốc là mối quan hệ chiến lược lịch sử.

Việc Riyadh quyết định gia hạn thỏa thuận với OPEC+ về không tăng sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày để bù đắp lại thiếu hụt do cấm vận Nga theo yêu cầu của Mỹ ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng A. Blinken không phải là duy nhất. Quốc vương Salman bin Abdullaziz đón tiếp trọng thể Tổng thống Venezuela Maduro thăm chính thức Saudi và khai trương Đại sứ quán Iran - hai "đối thủ" của Washington - ngay sau khi ông Blinken đặt chân đến Jeddah cũng thể hiện Riyadh không tuân theo sức ép của Mỹ.

Kết quả Hội nghị doanh nghiệp Ả Rập - Trung Quốc

Hơn 3.500 người, gồm các nhà hoạch định chính sách, quan chức chính phủ cấp cao, đại diện của các tổ chức Ả Rập chuyên ngành, các giám đốc điều hành, nhiều nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phát triển đầu tư và thương mại, các tổ chức nghiên cứu, công nghiệp, thương mại từ 26 nước thành viên thuộc Liên đoàn Ả Rập (AL) và Trung Quốc đã tham gia hội nghị doanh nghiệp Ả Rập - Trung Quốc lân thứ 10. Đây là hội nghị lớn nhất về hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa các nước Ả Rập và Trung Quốc.

Hội nghị đã thảo luận về tầm nhìn chiến lược, các cơ hội và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ hiện đại, dịch vụ hậu cần, truyền thông, công nghệ kỹ thuật số, du lịch..., nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ả Rập - Trung Quốc hài hòa với sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Thái tử Saudi chủ trì hội nghị lớn chưa từng có: Tín hiệu mới về quan hệ Trung Quốc - thế giới Ả Rập - Ảnh 3.

Ngay tại Hội nghị, các hiệp định đầu tư trị giá 10 tỷ USD và hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, bất động sản, chuỗi cung ứng, du lịch và chăm sóc sức khỏe đã được ký kết.

Trong số các thỏa thuận này có Biên bản ghi nhớ trị giá 5,6 tỷ USD đã được ký kết giữa Bộ Đầu tư Ả Rập Saudi và nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc Human Horizons, để thành lập một liên doanh nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tiêu thụ ô tô điện. Các khoản đầu tư trị giá 40 tỷ USD đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng sạch và hydro xanh cũng đang được thảo luận và sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa các nước Ả Rập và Trung Quốc năm 2022 đã đạt 430 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2021. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào vào các nước Ả Rập với khoảng 214 tỷ USD từ năm 2005 đến 2021. Các nước Ả Rập và Trung Quốc coi hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột trong quan hệ giữa hai phía. Đặc biệt, các nước Ả Rập thỏa thuận dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm phương tiện thanh toán để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lên tới khoảng 3.600 tỷ USD, trong đó 12% là từ thế giới Ả Rập, chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng và hóa dầu. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tăng 20% hàng năm, trong đó thế giới Ả Rập năm 2021 nhận được 23 tỷ USD, trong đó 3,5 tỷ đầu tư vào Ả Rập Saudi. Các nước Ả Rập khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện để Trung Quốc tăng đầu tư vào các dự án tại khu vực.

Các nước Ả Rập và Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), làm mới lại các thỏa thuận bảo hộ và khuyến khích đầu tư giữa hai phía.

Các nước Ả Rập và Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm lượng khí thải carbon, cam kết đến năm 2060 sẽ bổ sung khoảng 1000 gigawatt năng lượng tái tạo cho các nước Ả Rập và Châu Phi. Điều này mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân của thế giới Ả Rập và Trung Quốc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.

Khu vực Ả Rập đang trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng địa - chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong khi Mỹ áp đặt nhiều điều kiện ở các phương diện khác nhau, việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, nước có mối quan hệ lịch sử lâu đời và thường ủng hộ sự nghiệp của các nước Ả Rập, là lựa chọn mang tính chiến lược của khu vực này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái tử Saudi chủ trì hội nghị lớn chưa từng có: Tín hiệu mới về quan hệ Trung Quốc - thế giới Ả Rập