Tham vấn chính sách với GD Mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất

31/07/2023, 09:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội sáng 31/7, nhằm bảo đảm điều kiện học tập cho con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức, tham dự có đại diện các Sở GD&ĐT; Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Lao động Thương binh & xã hội; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện Ngân hàng Thế giới.

Thực tế đòi hỏi

Trong 10 năm trở lại đây, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Do nhu cầu cao về lao động ở một số tỉnh, thành phố phát triển nhiều KCN, KCX, dẫn tới gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.

Theo tổng hợp thống kê sơ bộ từ báo cáo của các địa phương, cả nước có 212 đơn vị cấp huyện KCN, KCX được thành lập với 11.116 cơ sở GDMN (3.444 công lập, 17 dân lập và 1.456 tư thục và 6.689 cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục). Các cơ sở này huy động trên 1,6 triệu trẻ em, trong đó đa số trẻ em là con công nhân làm việc tại KCN, KCX được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục.

Tham vấn chính sách với GD Mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất ảnh 1

Bắc Giang là địa phương có nhiều đầu tư cho phát triển mầm non ở các khu công nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ GD&ĐT đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để các địa phương đầu tư phát triển GDMN trên địa bàn, tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp GDMN.

Chính sách ban hành

Các chính sách đã đảm bảo ưu tiên đầu tư phát triển GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp Luật Giáo dục 2019: Ưu tiên phát triển GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp; Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chính sách xã hội hóa, theo các quy định chung, trong đó quy định trách nhiệm của UBND bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương; củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đối với GDMN.

Chính sách đặc thù đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều lao động quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN (Nghị định số 105) và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (Nghị định số 145).

Chính sách trợ cấp đối với đối với trẻ em (nhà trẻ, mẫu giáo) học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập là con công nhân: Trợ cấp tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng, tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng ít nhất phải đạt mức tối thiểu.

Tham vấn chính sách với GD Mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất ảnh 2

Tăng quỹ đất, thêm ưu đãi để phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập đáp ứng yêu cầu.

Chính sách đối với GVMN trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân tại cơ sở GDMN ngoài công lập ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng ít nhất phải đạt mức tối thiểu.

Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất đối với GDMN ngoài công lập đã được cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được được ngân sách địa phương hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần, mức tối thiểu là 20 triệu đồng.

Chính sách đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở GDMN quy định tại Nghị định 105 ở mức tối thiểu nhằm tạo lập nguyên tắc, tạo điều kiện để các địa phương có căn cứ vận dụng linh hoạt, nâng mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện ngân sách và đáp ứng thực tiễn. Nghị định số 145 giao Ủy ban nhân dân tỉnh xác định địa bàn được hưởng chính sách để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thực tế cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDMN được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trong đó có các chính sách đối với GDMN KCN, KCX. Tuy nhiên còn khó khăn do các tỉnh chưa vận dụng các quy định tại Điều 81 Nghị định số 145 để mở rộng đối tượng và địa bàn được thụ hưởng chính sách. Việc áp dụng văn bản trong thực hiện chính sách đối với GVMN còn có sự khác nhau giữa các địa phương:

Đa số các tỉnh GVMN có trình độ trung cấp làm việc tại cơ sở GDMN ngoài công lập chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân (đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2015, đã công tác tại cơ sở GDMN được cấp phép trước thời điểm Luật Giáo dục năm 2019) không được hưởng chính sách (do địa phương áp dụng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019) trong khi một số văn bản đã có quy định về lộ trình nâng chuẩn.

Bài liên quan
Thưởng tiền cho sinh viên nam đăng ký học ngành Giáo dục mầm non
"Tin vui là trong hơn 300 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, đã có một thí sinh nam", ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vấn chính sách với GD Mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất