Tham vấn học đường: Làm thật để định hướng đúng

Minh Phong | 16/05/2022, 06:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động quan trọng nhằm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Hỗ trợ kịp thời

Xã hội phát triển càng làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý hơn. Trong nhà trường, những vấn đề căng thẳng, lo âu, suy giảm động cơ học tập, trầm cảm, hành vi lệch chuẩn, nghiện game… đang trở nên phổ biến. Vì vậy, theo TS Hoàng Trung Học, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh ngày càng cấp bách.

Từ thực tiễn, ThS Mai Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho rằng: Việc thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường trong các trường học phổ thông rất cần thiết. Bởi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chia sẻ của học sinh cũng nhiều lên và tuổi học trò là lứa tuổi còn non nớt kỹ năng khi phải xử lý tình huống. Các em có hàng nghìn câu hỏi liên quan đến gia đình, bạn bè, xã hội, học tập, các mối quan hệ và cả tâm sinh lý của bản thân.

Theo đó, phòng tư vấn học đường sẽ góp phần “gỡ rối” nhiều khúc mắc cho học sinh; từ đó phát hiện ra những trường hợp đặc biệt có tính chất đặc thù, để can thiệp kịp thời, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Khẳng định, cần thiết thành lập phòng tư vấn học đường, TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh: Xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết này, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Đây được xem như cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục, đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.

Từng phụ trách Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), thầy Đỗ Văn Giảng chia sẻ: Để tổ chức phòng tư vấn tâm lý học đường, trước tiên cần có con người. Vì vậy, ban giám hiệu đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Nếu chỉ giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thì không đúng vì hầu hết học sinh rất ngại và sợ trò chuyện với thầy, cô đứng lớp dạy mình.

“Tư vấn tâm lý học đường phải làm việc độc lập, không thể tiếp cận theo kiểu “người thầy”” - ông Giảng trao đổi, đồng thời khuyến nghị, người tư vấn không nên tiếp xúc với học sinh theo kiểu đánh giá hành vi mà phải tìm hiểu căn nguyên. Ngoài ra, làm công tác tư vấn không thể nguyên tắc hoặc quá lý trí mà cần nhẹ nhàng, thấu hiểu và thấu cảm.

Theo TS Hoàng Trung Học, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình tham vấn tâm lý khá cụ thể trong các trường phổ thông; bước đầu cho thấy những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng. Mô hình tham vấn học đường có thể chưa phải là tối ưu theo các chuẩn mực quốc tế, nhưng phù hợp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Theo đó, thầy cô có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho học trò khi gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tham-van-hoc-duong-lam-that-de-dinh-huong-dung-xw6oPVlng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tham-van-hoc-duong-lam-that-de-dinh-huong-dung-xw6oPVlng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vấn học đường: Làm thật để định hướng đúng