Riêng đối với 2 trường hợp đảm bảo điều kiện để được tuyển dụng theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, giao Sở GD&ĐT thực hiện ngay các quy trình thủ tục để tuyển dụng đảm bảo theo quy định.
Trước đó, như GD&TĐ đã đưa tin, Đề án đào tạo CLC trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử.
Đề án này là của Trường ĐH Hồng Đức xây dựng, phê duyệt và được Bộ GD&ĐT xác nhận. Khi xác nhận Đề án của Trường ĐH Hồng Đức, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu nhà trường đảm bảo các tiêu chí, điều kiện quy định (theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT) và tự cân đối bằng ngân sách của trường; đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng với mức thu học phí được xác nhận tại Đề án.
Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa 2018-2022, đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.
Từ năm 2023, Trường ĐH Hồng Đức sẽ dừng tuyển sinh theo đề án chất lượng cao, vì đã “hoàn thành sứ mệnh”. Do đó, tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án đào tạo sinh viên CLC. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ Đề án vẫn chưa được tuyển dụng.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ.