Thanh thiếu niên dùng mạng xã hội sai cách, ảnh hưởng đến não

08/03/2023, 07:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc dùng mạng xã hội nhắm tới lượt thích và số người theo dõi đang khiến nhiều thanh thiếu niên tiếp nhận mặt trái của các nền tảng.

Nghiên cứu đã phát hiện ra mạng xã hội có thể khiến một số thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn hơn. Ảnh: NPR.

Theo thống kê, vào năm 2022, cứ 3 cô gái ở tuổi thành niên thì gần một người có ý định tự tử. Cứ 5 thanh thiếu niên LGBTQ+ lại có một người nói rằng họ đã có ý định tự tử vào thời điểm đó.

Từ năm 2009 đến 2019, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên tăng gấp đôi. Đó là số liệu thống kê trong thời gian trước đại dịch. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao thời điểm hiện tại vẫn còn tình trạng như vậy.

"Trong vòng 20 năm qua, sự ra đời của công nghệ di động và các nền tảng truyền thông đã thay đổi nhiều vấn đề trong xã hội. Chúng tôi mới bắt đầu hiểu điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của giới trẻ như thế nào", ông Mitch Prinstein, Giám đốc khoa học tại Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), nói.

Ông Mitch Prinstein đã đưa hàng chục chú thích và cung cấp một số thông tin cần thiết về sự ảnh hưởng mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên hiện nay.

Tương tác xã hội

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu tiết lộ sự tương tác của thanh thiếu niên với bạn bè đồng trang lứa có tác động lâu dài đến tình trạng nghề nghiệp, tiền lương, sự thành công trong các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất. Những ảnh hưởng này mạnh hơn tác động của chỉ số IQ, tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn.

Điều này giúp giải thích tại sao các nền tảng truyền thông xã hội lại phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Đằng sau lượt thích và người theo dõi

Các nền tảng truyền thông xã hội thường nhấn mạnh các số liệu về con người đằng sau lượt thích và số lượng người theo dõi. Điều này có thể khiến thanh thiếu niên chỉ đăng những điều về bản thân hoặc hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý.

Ông Prinstein cảnh báo rằng "lượt thích" và "người theo dõi" đã tạo ra những phẩm chất trái ngược với đời thực, tức không trung thực, ẩn danh. Nói cách khác, việc sử dụng mạng xã hội sai mục đích chỉ cung cấp "lượng calo rỗng" của tương tác xã hội, giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu sinh học và tâm lý nhưng không mang lại lợi ích.

Trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra mạng xã hội có thể khiến một số thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn hơn.

Lượt "thích" cũng có thể tác động đến cái nhìn của thanh thiếu niên đối với hành vi xấu.

Hollywood từng vấp phải chỉ trích từ phụ huynh rằng những bộ phim bạo lực hoặc khiêu dâm quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của thanh thiếu niên. Những lo ngại tương tự về việc thanh thiếu niên chứng kiến hành vi xấu trên mạng có thể có cơ sở.

"Nghiên cứu kiểm tra bộ não của thanh thiếu niên khi ở trên một trang mạng xã hội mô phỏng. Nghiên cứu tiết lộ khi họ tiếp xúc với hình ảnh bất hợp pháp hay nguy hiểm, việc kích hoạt vỏ não trước trán cho thấy sự ức chế lành mạnh đối với các hành vi không thích hợp. Vỏ não trước trán giúp chúng ta đưa ra các quyết định thông minh và an toàn", ông Prinstein nói với các nhà lập pháp.

Theo ông Prinstein, khi thanh thiếu niên xem những hành vi bất hợp pháp, nguy hiểm trên mạng xã hội hay các nội dung tiêu cực đã được người khác "thích", phần não giữ cho chúng ta an toàn cũng ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy rằng lượt thích có thể thúc đẩy thanh thiếu niên thực hiện hành vi nguy hiểm và bất hợp pháp.

mang xa hoi anh 1

Dùng mạng xã hội sai mục đích tác động xấu tới thanh thiếu niên. Ảnh: CNN.

Vấn đề tâm lý

Ông Prinstein đã nói cụ thể về các trang web hoặc tài khoản trực tuyến khuyến khích hành vi ăn uống không điều độ và hành vi tự gây thương tích, chẳng hạn tự cắt mình.

Nghiên cứu chỉ ra nội dung này rất phổ biến trên các trang truyền thông xã hội. Chúng không những mô tả những hành vi cực đoan, dạy người trẻ cách tham gia và che giấu chúng, thậm chí, khuyến khích người dùng tham gia vào hành vi này.

Chứng nghiện mạng xã hội

“Các vùng não được kích hoạt do sử dụng mạng xã hội trùng lặp đáng kể với các vùng liên quan đến việc nghiện các chất cấm hoặc chất nguy hiểm", ông Prinstein nói.

Ông trích dẫn một loạt nghiên cứu về việc sử dụng mạng xã hội quá mức ở thanh thiếu niên thường biểu hiện một số triệu chứng giống như chứng nghiện, một phần là do bộ não của thanh thiếu niên không có hộp công cụ tự kiểm soát như người lớn.

mang xa hoi anh 2

Hành vi sử dụng mạng xã hội có tác động nhất định đến phản ứng não. Ảnh: New York Times.

Mối đe dọa bắt nạt trực tuyến

Ông Prinstein cảnh báo các nhà lập pháp rằng việc trở thành nạn nhân quấy rối và phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, giới tính và tình dục diễn ra thường xuyên trên mạng và thường nhắm vào những người trẻ tuổi.

Thanh niên LGBTQ+ phải chịu mức độ bắt nạt, đe dọa và tự làm hại bản thân cao hơn trên mạng xã hội. Hành vi bắt nạt trực tuyến có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp về thể chất.

Đầu tháng 2, một bé gái 14 tuổi ở New Jersey (Mỹ) đã tự kết liễu đời mình sau khi bị các bạn cùng trường tấn công và quay clip đăng lên mạng xã hội.

Không phải tất cả đều xấu

Tuy nhiên, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý học (Mỹ) thừa nhận mạng xã hội cũng có mặt tích cực. Thực tế, khi sử dụng mạng xã hội đúng cách, nó có thể đáp ứng nhu cầu kết nối xã hội của thanh thiếu niên theo những cách lành mạnh.

Nghiên cứu cho thấy mạng xã hội giúp người trẻ tuổi hình thành và duy trì tình bạn trực tuyến. Ngoài ra, nó tạo cơ hội để tương tác với bạn bè đa dạng hơn so với ngoại tuyến.

Hơn nữa, ông Prinstein chỉ ra đối với nhiều thanh thiếu niên yếu thế, các nền tảng kỹ thuật số cung cấp không gian quan trọng để khám phá và thể hiện bản thân. Điều này giúp họ tạo dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, thậm chí là hỗ trợ, bảo vệ họ khỏi tác động của căng thẳng.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển dễ bị tổn thương. Họ khao khát các phần thưởng xã hội nhưng không có khả năng kiềm chế bản thân. Đó là bởi khi bước vào tuổi dậy thì, các vùng não liên quan đến sự khao khát đối với các phần thưởng xã hội, chẳng hạn tầm nhìn, sự chú ý và phản hồi tích cực từ bạn bè của họ có xu hướng phát triển tốt hơn.

Ông Prinstein nói các nền tảng truyền thông xã hội thưởng cho thanh thiếu niên những lượt "thích" và "những người theo dõi", điều này mới có thể kích hoạt và nuôi dưỡng sự thèm muốn đó.

Bài liên quan
Nguyễn Đức Minh và “độc chiêu” mua bán hoa quả giá rẻ trên mạng xã hội
Để có tiền tiêu xài Nguyễn Đức Minh đã nghĩ ra “diệu kế” là đăng các tin bài, hình ảnh, video mua bán hoa quả với giá rẻ trên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều bị hại trên khắp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh thiếu niên dùng mạng xã hội sai cách, ảnh hưởng đến não