Quyết định do ông Trần Ngọc Liêm, phó tổng Thanh tra Chính phủ, ký.
Thanh tra Chính phủ quyết định thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2021, khi cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra.
Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra gồm 6 người do ông Lê Ngọc Quang - phó cục trưởng Cục I - làm trưởng đoàn. Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra được giao giúp tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
Trong 2 năm chống dịch Covid-19, Việt Nam đã mua sắm kit xét nghiệm, thiết bị vật tư trị giá nhiều ngàn tỉ đồng.
Gần đây lãnh đạo Công ty Việt Á, đơn vị cung cấp một tỉ lệ khá lớn kit xét nghiệm trên thị trường bị khởi tố, bắt giam cùng nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, quan chức Bộ Y tế để điều tra nghi vấn đẩy giá bộ xét nghiệm lên cao hưởng lợi bất hợp pháp, khiến vấn đề này nóng lên và đang được dư luận rất quan tâm.
Theo tìm hiểu, từ tháng 3-2020, khi dịch bùng phát (sau ca bệnh thứ 17), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có mượn thiết bị xét nghiệm của Công ty Việt Á và có sử dụng kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.
Tuy nhiên sau khi lãnh đạo CDC Hà Nội bị bắt giam để điều tra việc giá thiết bị xét nghiệm bị nâng khống, CDC Hà Nội đã trả máy lại cho Việt Á.
Sau khi vụ án lãnh đạo Công ty Việt Á thông đồng với nhiều địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm bị khởi tố, trao đổi với báo chí, ông Trương Quang Việt - phó giám đốc CDC Hà Nội - cho biết đơn vị không mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Ông Việt cũng thông tin thêm nguồn tài trợ trên thường được thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, riêng CDC Hà Nội không nhận tài trợ trực tiếp từ Công ty Việt Á.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.