Tháo 'điểm nghẽn' trong dạy học tích hợp

23/08/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THCS, khó khăn lớn nhất với đa số giáo viên là dạy môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên.

Bên cạnh một số khó khăn, cô Kiều Anh cho rằng, việc dạy tích hợp có nhiều ưu điểm. Với mỗi lớp, đối tượng học sinh trong cùng một khối, đôi khi giáo án và phương pháp dạy học của giáo viên đã khác nhau, chưa nói đến việc qua mỗi năm khi xã hội phát triển, chắc chắn việc dạy học cũng phải phát triển tương ứng.

Khi thực hiện dạy tích hợp, bắt buộc giáo viên phải nắm được chương trình và lộ trình. Sách thay đổi thì mục tiêu, bài học có thay đổi hay không? Chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của học sinh như thế nào? Nắm được những vấn đề này, giáo viên mới xác định được nội dung nào cần truyền đạt cho học trò.

Bên cạnh đó, giáo viên cần có phương pháp triển khai. Ví dụ, với chủ đề về Oxy trong chương trình Hóa học lớp 8, trước đây giáo viên phải dạy tất cả nội dung về tính chất của Oxy. Khi kiến thức về Oxygen mang xuống lớp 6, nội dung học sinh được học chỉ đơn giản là Oxygen là gì? Oxygen có ở đâu? Các tính chất vật lý cơ bản nhất chúng ta có thể quan sát...

Điều này đã khơi gợi được niềm yêu thích và hứng khởi của học sinh khi học Khoa học tự nhiên, giúp các em thấy mình không phải học những nội dung mang tính hàn lâm, mà là những điều gần gũi trong cuộc sống. Học sinh vừa có kiến thức, vừa được rèn luyện các nhóm kỹ năng, năng lực.

Cô Đỗ Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - cho rằng, để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp, cần quan tâm đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Do đó, nhà trường đã xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, có biện pháp hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học liên quan.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 mong muốn có sự liên môn, xuyên môn. Khi triển khai, phải dùng cách dạy học tích hợp để thể hiện được mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến.

Qua làm việc với nhiều trường học và các nhà quản lý, PGS Chu Cẩm Thơ đánh giá, hiện có rất nhiều hình thức, cấp độ khác nhau của việc dạy và học tích hợp. Tuy nhiên, chưa trường học nào làm được việc đồng bộ 4 trụ cột để triển khai một chương trình, trong đó có dạy học tích hợp, đó là: Mục tiêu gắn liền với tích hợp; nội dung dạy học và phương pháp dạy học; điều kiện dạy học; hệ thống đánh giá.

Do đó, bà Thơ cho rằng, để giải quyết những khó khăn trong vấn đề dạy các môn tích hợp, cần quyết liệt trong khâu đầu tư các hạ tầng, trang thiết bị cho giáo viên. Đặc biệt cần tạo niềm tin, động lực cho học sinh và giáo viên về ý nghĩa của dạy học tích hợp.

“Khi được bồi dưỡng chuyên môn, giáo viên được đào tạo đơn môn có thể vận dụng các thành tố của các môn học để xây dựng thành bài giảng có tính logic, khoa học. Chương trình cấp THCS có một số chủ đề mang tính tích hợp cao nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối nên giáo viên sẽ lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó”. - Cô Đỗ Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thao-diem-nghen-trong-day-hoc-tich-hop-post651477.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thao-diem-nghen-trong-day-hoc-tich-hop-post651477.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo 'điểm nghẽn' trong dạy học tích hợp