Các đại biểu tham gia hội thảo lắng nghe ý kiến từ chuyên gia. |
Cũng theo TS Tạ Ngọc Trí, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó quy định về vị trí việc làm của nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT trong các trường phổ thông công lập.
Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh nhiều chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Hệ thống chính sách về NKT tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện hơn. Các hoạt động hỗ trợ NKT đang thu hút của các cấp, các ngành trong xã hội.
Toàn cảnh hội thảo tọa đàm xóa bỏ rào cản đối với trẻ em và phụ nữ khuyết tật. |
Đánh giá việc thực hiện chính sách, định hướng một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng chính sách, TS Tạ Ngọc Trí cho rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn hạn chế. Việc thành lập trung tâm dành cho NKT ở nhiều tỉnh/thành còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 quy định có 6 loại tật; trong đó có 5 loại tật cụ thể và một loại tật khác. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề rối loạn phổ tự kỷ đang là vấn đề lớn lại đang được xếp vào loại dạng tật khác theo Thông tư 01/2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trong Luật Người khuyết tật cũng như các văn bản hướng dẫn vấn đề này, bao gồm cả Thông tư 01/2019 cũng chưa quy định thành phần hội đồng là đại diện của ngành Giáo dục. Vấn đề trợ cấp và quyền lợi đối với học sinh khuyết tật đi học, cần nghiên cứu để sao cho phù hợp và có tính cập nhật hơn.
TS Phạm Thị Hoàn chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm. |
Cũng tại hội thảo, TS Phạm Thị Hoàn, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình bày tham luận một số chính sách giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Mục tiêu cũng nhằm hỗ trợ cao nhất và tạo ra sự bình đẳng cho người khuyết tật...
"Theo quy định hiện hành, học sinh khuyết tật được tạo điều kiện để học tập phù hợp với khả năng và nhu cầu. Do đó, kế hoạch giáo dục cá nhân chính là chương trình học tập cho học sinh khuyết tật. Dựa theo chương trình giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành, căn cứ vào khả năng nhận thức và nhu cầu của học sinh sau khi được đánh giá, giáo viên sẽ phối hợp với cha mẹ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân để giúp học sinh khuyết tật học tập trong từng giai đoạn của năm học" - TS Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh thêm.