Trong quản lý của Bộ GD&ĐT, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục ĐH, CĐ; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Quang cảnh điểm cầu Hậu Giang. |
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi phí cho nghiên cứu khoa học, theo Bộ trưởng, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Cùng chi phí từ Nhà nước còn nhiều nguồn: Thu từ tự chủ của trường ĐH, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Với Bộ GD&ĐT, kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn và Bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Do đó, nhà trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan Nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; nhưng có 1 điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều. Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn. Làm được mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên.
Về ý kiến liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề rất hệ trọng. Các trường ĐH sư phạm trong chương trình đào tạo có thời lượng cho nội dung này. Nhưng với tất cả nhà giáo, quan trọng là yếu tố tự rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi, không chỉ trông chờ lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn. Ở giáo dục ĐH, không chỉ là đạo đức nhà giáo, đây còn là đạo đức của nhà khoa học, của người làm nghiên cứu.
TS Đinh Minh Hằng – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Nhấn mạnh đến liêm chính học thuật, Bộ trưởng cho biết, một số chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học đề cập đến vấn đề này. Trong hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, vấn đề liêm chính học thuật cũng ngày càng được đề cao và được nêu ra một cách rõ ràng, các yêu cầu ngày càng cụ thể hơn; đặc biệt là yêu cầu giảng viên trung thực trong công bố kết quả nghiên cứu.
Một vấn đề lớn là tự chủ đại học. Nhận định nhiều trường ĐH đã tự chủ rất cao, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới. Cùng với đó, về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính cũng cần có điều chỉnh để làm tốt hơn vấn đề tự chủ.
Về vấn đề quy hoạch, đây là nhiệm vụ rất lớn và rất khó. Bộ GD&ĐT vẫn đang tiến hành quyết liệt vì liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Những kết quả bước đầu cũng đang hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đó có cơ cấu của các ĐH vùng, các ĐH sư phạm trọng điểm, mật độ đào tạo cho từng khu vực cũng sẽ sớm được xem xét. Ngoài ra, dự kiến các khu vực như: Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ, miền núi phía Bắc cũng sẽ có đại học vùng.
Với vấn đề các trường CĐ sư phạm, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đào tạo trình độ CĐ với giáo viên mầm non là nhu cầu chắc chắn ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm cũng đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm mầm non nên chưa phát huy được hết năng lực. Do đó cần sắp xếp lại theo hướng, một số trường sẽ sáp nhập vào các trường đại học có đào tạo về khoa học cơ bản.
Với ý kiến của đại diện khối các trường ngoài công lập, Bộ trưởng khẳng định quan điểm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn đánh giá cao hệ thống các trường ngoài công lập; ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập; trong đó chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai, mặt bằng, địa điểm. Các cơ sở công lập hay ngoài công lập đều có thể tham gia vào các hoạt động NCKH và đào tạo; thi đua, khen thưởng. Với trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng mong với tiềm lực tốt về cơ sở vật chất, các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế.
Với thi đua, khen thưởng, hiện nay việc thực hiện khen thưởng với khối trường ngoài công lập đang được thực hiện bình thường, không trở ngại. Đã có nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi các trường ngoài công lập. Riêng hoạt động xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú thông qua kênh các tỉnh/thành và theo như Bộ GD&ĐT vừa xét chuẩn bị trình thì có nhiều nhà giáo thuộc khối ngoài công lập. Quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu không phân biệt công, tư. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng cần lưu ý chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để có những nhà giáo xứng đáng được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu trên.
Ngoài ra, công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường đại học. Hiện, Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động.
Lực lượng ngành Y đào tạo về chuyên môn có nhiều đặc thù so với các ngành nghề khác. Bác sĩ nội trú đã tương đương với trình độ Thạc sĩ hay chưa thì cũng cần bàn thảo thêm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đại biểu Hà Tĩnh tham dự Chương trình tại điểm cầu chính. |
Kiên định với mục tiêu đổi mới
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên. Mỗi ý kiến thầy cô nêu là nhiều nhóm vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng, ai cũng hiểu điều đó nhưng chúng ta vẫn cần nhắc lại điều này. Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc, trí tuệ, trình độ khoa học công nghệ và biểu hiện sở hữu nhân tài của đất nước. Phát triển giáo dục đại học là bài toán khó, phức tạp, lâu dài. Giáo dục đại học đang chuyển đổi, từ cách thức quản trị, quản lý Nhà nước, cho đến sử dụng nguồn lực, cơ cấu ngành nghề… Đại học là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, nhà khoa học đã khắc phục khó khăn, đóng góp vào phát triển giáo dục đại học; Bộ trưởng nhìn nhận, các nhà khoa học, chuyên gia là lực lượng giúp Bộ GD&ĐT làm chính sách chiến lược mang tầm quốc gia. Theo Bộ trưởng, chăm sóc các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT đang từng bước làm mọi việc để phát triển nguồn lực này; đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
Ở thời điểm này, giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục đại học phát triển cả quy mô và chất lượng. Những năm gần đây, số lượng sinh viên tăng; số sinh viên nhập học tăng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng được cải thiện. So với 10 năm trước, giáo dục đại học có bước phát triển dài. Song, so với yêu cầu của đất nước, tốc độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn thì chúng ta sẽ khó khăn để đạt đến đỉnh cao của chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm, trong đó cần hoàn thành quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh - hạt nhân nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần có sự cải thiện tài chính cho giáo dục đại học.
Về thể chế, Bộ sẽ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho giáo dục đại học và tự chủ theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số… Qua đó cho thấy, còn nhiều công việc đang chờ phía trước.
Trong khuôn khổ của sự kiện, Bộ trưởng kỳ vọng các nhà giáo, nhà khoa học lưu ý làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, tự chủ đại học – vấn đề đang được quan tâm. Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, mà còn đến các giảng viên, nhà khoa học… Thứ hai, hiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Bộ trưởng mong các nhà khoa học giỏi hơn nữa. Phát triển khoa học công nghệ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Mong rằng, đây là sự phấn đấu của cá nhân, nhưng cũng cần cơ chế chính sách của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng cũng mong muốn, nhà giáo nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp chung. Công bố quốc tế quan trọng nhưng cũng cần những công trình giải quyết những vấn đề nóng của đất nước. Đặt vấn đề, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo? Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều việc phải làm, trong đó có cả những việc cần làm sớm nhưng cũng có những việc cần có thời gian.
Trước mắt, cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học. Các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo – một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, chúng ta cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành; kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành; kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Và chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt...