Xây dựng cho học sinh lối sống đẹp sẽ góp phần giảm thiểu hành vi bạo lực học đường. |
PV: Như vậy, rõ ràng vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng trong phòng chống bạo lực học đường thưa ông?
- Chính xác là như vậy. Bên cạnh ban giám hiệu, đội ngũ giám thị, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác trong trường thì lực lượng giáo viên chủ nhiệm luôn đóng vai trò rất quan trọng trong tiếp cận học sinh. Thầy cô chủ nhiệm là những người được huấn luyện về mặt tâm lý giáo dục để hiểu được học trò của mình. Từ việc hiểu được cảm xúc của các em thì thầy cô sẽ dẫn dắt cái cảm xúc đó để các em đi đúng hướng. Hôm nay thấy học sinh bức xúc thì thầy cô phải khuyên nhủ bằng sự thương yêu, gắn kết để giải phóng cảm xúc tiêu cực đó của học trò.
Ngày nay, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới công tác chủ nhiệm. Ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi coi giáo viên chủ nhiệm vừa là nhà tâm lý, vừa là nhà giáo dục. Toàn trường có 102 lớp thì tương ứng với 102 nhà tâm lý, nhà giáo dục. Khi thầy cô biết cách định hướng, chuyển hóa cảm xúc của học trò thì có thể hạn chế được xung đột, bạo lực học đường. Nếu làm tốt được khâu đó, bạo lực sẽ được dập tắt ngay từ "trong trứng nước". Trường hợp học sinh không có chuyển biến thì mới dùng tới các hình thức kỷ luật khác như phê bình, nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
PV: Theo ông, quan niệm "lấy bạo lực để giải quyết bạo lực" có còn phù hợp? Ta cần làm gì để không bất lực trước vấn nạn bạo lực?
Các giáo viên được tập huấn về kỹ năng xử lý tình huống khi học sinh bị bắt nạt. |
- Như tôi phân tích ở trên, vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Nếu ta chỉ lấy bạo lực để giải quyết bạo lực thì mọi chuyện sẽ không đi đến đâu, thậm chí trở thành một vòng lẩn quẩn khi học sinh hư là đình chỉ học, sau khi đi học lại vi phạm rồi lại tiếp tục bị đình chỉ.
Tuy nhiên, cách ứng xử của giáo viên chủ nhiệm trước các tình huống phát sinh trên lớp, đặc biệt liên quan tới hiện tượng học sinh bị bắt nạt, bạo lực cũng cần đặc biệt lưu tâm. Cho dù ta quán triệt tới toàn thể thầy cô chủ nhiệm về phương pháp nhưng cũng chỉ đảm bảo được khoảng 90% thôi, còn lại sẽ có một số vấn đề phát sinh và cần phải giải quyết.
Bạo lực học đường thường được thể hiện ở dạng lời nói hoặc hành động. |
Nếu xuất hiện xung đột trong môi trường học đường, giáo viên chủ nhiệm phải đóng vai trò quan trọng trong việc "tháo ngòi nổ" bạo lực. Lúc đó, cả ban giám hiệu, bộ phận tâm lý giáo dục và thầy cô chủ nhiệm cần phối hợp để vào cuộc cùng lúc. Càng can thiệp sớm thì bạo lực sẽ được ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra xung đột lớn sẽ dẫn tới những hậu quả không hay.
PV: Nói như vậy nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của Hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý học sinh, phòng chống bạo lực học đường thưa ông?
- Đúng là như vậy! Hiệu trưởng phải thực sự có tâm, có tầm và là nhà tâm lý giáo dục thực thụ. Nếu việc nhỏ mà bỏ qua thì sẽ thành việc lớn. Ở trường chúng tôi có một bộ phận từ 5 - 7 người gồm các thầy cô làm công tác giáo dục lối sống. Thực chất, nếu theo cách gọi trước đây gọi là lực lượng giám thị. Lực lượng này có nhiệm vụ theo dõi về hành vi, lối sống của học sinh. Chỗ nào chưa ổn sẽ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để chỉnh đốn kịp thời, ngăn chặn các hành vi bạo lực từ xa, từ sớm và không để bùng nổ xung đột.
Xin trân trọng cảm ơn ông!